Bài 1: Hệ lụy từ tín dụng đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- LTS: Ngày 26-6-2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1382/UBND-NC gửi các ban ngành, đoàn thể, địa phương về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 4-6-2018 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết vấn đề này, từ chính quyền một số địa phương và đến các ngành chức năng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế, tháo gỡ và ngăn ngừa. 
 


Trong bối cảnh tín dụng đen đang diễn biến phức tạp ở địa bàn nông thôn và vùng dân tộc thiểu số đã mang lại những nguy cơ, hệ lụy khôn lường.

Bà con làng đặc biệt khó khăn Pyầu (Lơ Pang, Mang Yang) đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bà con làng đặc biệt khó khăn Pyầu (Lơ Pang, Mang Yang) đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Sơn Ca

“Vay ngân hàng lúc nhanh, lúc chậm. Lúc mình cần thì chưa nhanh lắm đâu. Còn vay ngoài họ cũng nhìn mặt, biết mình có làm ăn, sòng phẳng thì họ mới cho vay”-đây là lời nhận xét thật lòng của ông Siu Chbai (Plei Toan 2, xã Ia Kdăm, Ia Pa) khi nói đến việc vay mượn bên ngoài với những ưu thế: Không cần giấy tờ thế chấp, không cần lập hồ sơ, lãi suất thỏa thuận bằng miệng và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu 24/7.

Theo tiết lộ của ông Chbai, mức lãi suất hiện nay mà bà con trong làng nằm giá 50 ngàn đồng/1 triệu đồng tiền gốc/tháng, thậm chí có lúc lên tới 80 ngàn đồng/1 triệu đồng tiền gốc/tháng mà vẫn có người chấp nhận vay khi cần giải quyết nhanh nhu cầu chi tiêu, đời sống hoặc để lo ma chay, cưới hỏi, sinh nhật...

“Bà con mình rất khó từ bỏ việc “đập trâu, đập bò, đập heo” khi có đám ma. Biết là tốn kém nhưng cái này là phong tục ông bà từ xưa giờ, mình phải theo”-chị Rơ Chăm  Den (làng Kép 2, Ia Mơ Nông, Chư Pah) lý giải. Nếu nhẩm tính sơ, giá một con heo từ 3-5 triệu đồng/con, bò thì từ 12 triệu đồng/con, có đám ma chi phí tổ chức hơn 100 triệu đồng. Nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn thì buộc phải đi vay mượn bên ngoài để mua heo, bò tổ chức đám hoặc “đập” lại nếu như trước đó đã được “đập”. Đây thực sự là nợ chồng nợ, không biết khi nào mới trả hết nếu vẫn còn những phong tục, tập quán lạc hậu.

Cũng bởi phương thức vay mượn thông thoáng, nhanh gọn cộng với việc chi tiêu thiếu căn bản, không có thói quen tích lũy nên không chỉ hộ nghèo, mà các hộ khá cũng vay nếu có nhu cầu chi tiêu, mua sắm tiêu dùng hàng ngày, vật tư nông nghiệp là tìm đến hàng quán, tư thương, mối lái  Đến lúc nợ đến hạn buộc phải bán “lúa non”, thậm chí phải bán đất, bán trâu bò để trả nợ.

Qua khảo sát tình hình của chính quyền xã Chư Mố, Ia Pa, có hai dạng vay mượn trong bà con DTTS. Một là vay tư thương trả bằng tiền hoặc nông sản cuối vụ. Hai là vay nóng, lãi suất tính theo ngày, tháng. “Trên địa bàn hiện có 8 trường hợp vay lãi suất cao thì hiện nay, 6 trường hợp mới trả xong, còn 2 trường hợp nợ gốc và lãi lên đến tiền tỷ. Đây cũng là vấn đề gây bức xúc nhất vì liên quan đến việc đòi nợ, đe dọa sử dụng vũ lực gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”-anh Ksor Jú, Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết.

Theo kết quả khảo sát tình hình cho thuê, chuyển nhượng đất sản xuất trong đồng bào DTTS của Ban Dân tộc (Hội đồng Nhân dân tỉnh), thời gian qua, số hộ DTTS chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất sản xuất còn diễn ra phổ biến. Từ năm 2014-2017, đã có 2.433 hộ chuyển nhượng đất với diện tích 1.126 ha, 2.000 hộ cho thuê đất với diện tích 1.847 ha. Đáng lưu ý, hầu hết khi cho thuê đất người dân chỉ tự thỏa thuận không qua giấy tờ hoặc theo hợp đồng nhưng không thông qua chính quyền địa phương. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhận thức, hiểu biết của bà con còn hạn chế. Mặt khác, phần lớn trường hợp cho thuê, chuyển nhượng là vì phụ thuộc vào kinh tế của các hộ thuê đất, phải bán đất trừ nợ hoặc cần tiền giải quyết các công việc trước mắt như ma chay, cưới hỏi, xây nhà, mua sắm phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt…

Dưới góc độ của ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhìn nhận, một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tín dụng đen là do việc vay vốn ngân hàng thương mại phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục hồ sơ theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, mặc dù quy trình cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hết sức thông thoáng, thủ tục cho vay đơn giản, thậm chí người không biết chữ cũng vay được vì từ khâu hồ sơ, thủ tục đã có Ngân hàng, tổ vay hỗ trợ hoàn tất nhưng trên thực tế, một khi bà con cần số tiền ít và muốn có ngay thì thường dễ dàng chấp nhận thỏa thuận vay ngoài dù lãi suất cao hơn.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.