Ngân hàng lãi hàng ngàn tỷ từ phí dịch vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều ngân hàng báo lãi ngàn tỉ từ các khoản phí dịch vụ trong năm qua và tỉ trọng doanh thu từ nguồn này ngày càng tăng.

Theo biểu phí thẻ mới nhất của Ngân hàng (NH) TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), có 2 mức phí rút tiền nội mạng tại ATM của chính NH này áp dụng cho các dòng thẻ khác nhau, tối đa là 2.200 đồng/lần (gồm thuế GTGT). VietinBank là NH lớn tiếp theo thông báo tăng phí giao dịch qua ATM, sau NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Lớn nhỏ cùng tăng

Cụ thể, chủ thẻ ghi nợ nội địa (ATM) của VietinBank dòng thẻ Gold, Pink - Card khi rút tiền tại ATM của NH này (nội mạng) sẽ tốn 2.200 đồng/giao dịch và chủ thẻ dòng thẻ C-Card, S-Card mức phí là 1.650 đồng/giao dịch (gồm thuế GTGT). Trước đó, mức phí của 2 dòng thẻ này đều 1.100 đồng/giao dịch. Trong biểu phí mới, VietinBank cũng bắt đầu thu phí chuyển khoản trong cùng hệ thống 3.300 đồng/lần, thay vì miễn phí như trước.

Theo nhân viên tư vấn VietinBank, ngoài việc điều chỉnh một số mức phí trên, NH này cũng áp dụng thêm khoản phí duy trì tài khoản là 2.200 đồng/tháng. Mức phí duy trì tài khoản này cũng được NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bắt đầu thu từ tháng 3-2018, sau thời gian miễn phí.


 

 VietinBank vừa tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM
VietinBank vừa tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM



Trước đó, tối 8-5, trên website của Vietcombank có thông báo áp dụng biểu phí thẻ ATM mới, theo hướng tăng phí rút tiền ATM nội mạng thêm 500 đồng, lên mức 1.650 đồng/giao dịch (gồm thuế GTGT). Tuy nhiên, ngày 9-5, nhân viên tư vấn Vietcombank cho biết NH chưa công bố thời điểm áp dụng chính thức biểu phí mới. Thông báo trên website của NH này cũng không còn. Hiện chủ thẻ ATM của Vietcombank vẫn đang giao dịch theo biểu phí cũ là 1.100 đồng/lần rút tiền nội mạng.

VietinBank, Vietcombank là những "ông lớn" NH tiếp theo tính chuyện tăng phí giao dịch qua ATM, sau khi Agribank thông báo sẽ tăng phí rút tiền nội mạng ATM lên 1.650 đồng/giao dịch; tăng phí chuyển khoản liên NH tại ứng dụng E-Mobile Banking tối thiểu từ 8.000 đồng/giao dịch. Ở khối cổ phần, từ đầu năm 2018, nhiều NH cũng điều chỉnh theo hướng tăng một số khoản phí dịch vụ khi khách hàng giao dịch tại ATM, Internet Banking, Mobile Banking…

Theo số liệu của NH Nhà nước, đến nay cả nước có khoảng 132 triệu thẻ NH các loại, trong đó chủ yếu là thẻ ATM; có khoảng 17.550 máy ATM và 268.813 máy POS. Trong đó, Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV là những NH dẫn đầu về thị phần phát hành thẻ và có số lượng thẻ lớn nên việc điều chỉnh phí sẽ tác động đến số đông khách hàng. Việc một số NH điều chỉnh tăng phí đã vấp phải phản ứng của nhiều khách hàng, bởi đây là các loại phí cố định, phổ biến và gần như chủ thẻ nào cũng phải chịu.

Lãi từ phí năm sau cao hơn năm trước

Trong khi khách hàng phản ứng về việc tăng các khoản phí dịch vụ, ở góc độ khác, doanh thu và lợi nhuận từ các khoản phí dịch vụ trong năm 2017 và quý I/2018 tại nhiều NH tiếp tục tăng mạnh. Lãnh đạo một số NH thương mại lý giải, doanh thu và lợi nhuận lớn từ phí dịch vụ gồm rất nhiều hoạt động dịch vụ của NH như thẻ tín dụng, dịch vụ trung gian thanh toán giao dịch bất động sản, thanh toán quốc tế và các khoản phí liên quan đến ATM, Internet Banking, Mobile Banking… Tuy nhiên, riêng các khoản đầu tư cho hệ thống ATM đến giờ phần lớn các NH vẫn đang lỗ, do tỉ lệ giao dịch trên máy ATM của khách hàng chủ yếu là rút tiền mặt.

Báo cáo tài chính năm 2017 và quý I năm 2018 của nhiều NH cho thấy, tỉ trọng lãi từ phí dịch vụ không ngừng tăng lên, thậm chí tỉ suất lợi nhuận của nhiều NH tăng ở mức rất cao. Báo cáo tài chính quý I/2018 của Vietcombank cho thấy thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 1.579 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Năm 2017, Vietcombank cũng đạt tới 5.378 tỉ đồng thu nhập từ hoạt động dịch vụ và sau khi trừ chi phí, lãi từ hoạt động này ở mức 2.538 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.

Các NH khác như BIDV, VietinBank, Sacombank, Techcombank… cũng đều có mức lãi từ hoạt động dịch vụ trên 1.000 tỉ đồng trong năm 2017. Đến quý I/2018, các khoản thu từ dịch vụ tiếp tục khả quan ở nhiều NH. Như tại NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), doanh thu từ hoạt động dịch vụ trong quý đầu năm lên tới 752 tỉ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, NH này còn lãi 544 tỉ đồng từ dịch vụ, góp phần đáng kể vào tổng lợi nhuận trước thuế của nhà băng này. Năm ngoái, Sacombank cũng lãi tới 2.623 tỉ đồng từ hoạt động này.

Theo các chuyên gia, chiến lược hướng về khách hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân là mục tiêu được các NH đưa ra trong kế hoạch kinh doanh, trong đó phần thu từ phí dịch vụ là khoản không nhỏ và đang gia tăng trong thời gian qua. Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh nhận định các NH thương mại tại Việt Nam hiện nay đều tập trung vào mảng bán lẻ, trong đó nguồn thu từ phí dịch vụ là đáng kể và tỉ trọng ngày càng tăng trong tổng doanh thu. Trong phí dịch vụ sẽ có các khoản phí liên quan đến giao dịch trên ATM, Internet Banking và Mobile Banking.

"Các NH hiện tốn khá nhiều chi phí đầu tư, vận hành hệ thống ATM, số tiền nằm "chết" trong hệ thống ATM, cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ cơ sở dữ liệu của chủ thẻ… Nhưng việc lời hay lỗ cho các khoản đầu tư liên quan đến ATM còn tùy thuộc vào từng NH, chiến lược đầu tư vào số lượng ATM, thẻ ATM phát hành ra thị trường chứ không hẳn NH nào cũng lỗ vì ATM" - ông Minh nhận xét.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, nhiều NH thương mại cho rằng đầu tư vào hệ thống ATM đang lỗ nặng khi chi phí cho một giao dịch tại ATM mà các NH đang phải chi trả, gồm cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng từ 7.000-10.000 đồng, cao hơn mức thu từ khách hàng. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế phân tích, không thể tính "cố định" mỗi lần khách hàng rút tiền tại ATM là NH tốn chi phí 10.000 đồng, bởi khi đầu tư mạng lưới máy ATM cũng giúp NH gia tăng hình ảnh nhận diện thương hiệu, quảng bá sản phẩm và thu hút thêm khách hàng mới. Đồng thời, khách hàng sau khi mở thẻ ATM có thể sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ khác, giúp NH có thể bán chéo sản phẩm…

"Có ý kiến nói một số máy ATM đã hoạt động hơn chục năm nên NH phải tốn thêm chi phí bảo dưỡng, bảo trì nhưng thực tế một máy ATM chỉ 3-5 năm NH đã khấu hao xong. Đầu tư vào hệ thống ATM có thể lỗ nhưng NH cũng thu được nhiều lợi ích khác nên không thể tính chi phí cố định cho mỗi lần rút tiền" - một chuyên gia tài chính lập luận.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tạm dừng tăng phí

Chiều 9-5, một nguồn tin từ NH Nhà nước xác nhận cơ quan này đã yêu cầu các NH thương mại xem xét việc tăng phí và tạm thời chưa điều chỉnh vào thời điểm này.

Theo quy định của NH Nhà nước, từ sau năm 2015 trở đi, mức phí rút tiền nội mạng tối đa của các NH thương mại là 3.300 đồng/lần (gồm thuế GTGT). Hiện nay, mức phí phổ biến là 1.100 đồng/lần. Dù các NH được phép tăng theo lộ trình và chưa vượt trần quy định nhưng NH Nhà nước đã yêu cầu dừng việc tăng phí để tránh khách hàng hiểu lầm các NH thương mại "bắt tay" nhau tăng phí. Theo NH Nhà nước, tăng phí để bù đắp chi phí đầu tư, vận hành của NH thương mại là cần thiết và phù hợp nhưng quá trình này cần được khách hàng hiểu rõ, chia sẻ.

Thái Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.