Lập hành lang pháp lý an toàn cho quỹ tín dụng nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 57-CT/TW ngày 10-10-2000 (Chỉ thị 57) về củng cố, hoàn thiện và phát triển Quỹ tín dụng nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức quản lý hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, phù hợp với thực tế nền kinh tế-xã hội, đã giúp hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân ngày càng đi vào ổn định và tăng trưởng.
 Người dân giao dịch tại một điểm Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Người dân giao dịch tại một điểm Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Đặc biệt, khi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã vào năm 2013, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trong cả nước cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh của nông dân. Điều này cũng đã giúp hạn chế được tệ nạn cho vay nặng lãi và các hình thức biến tướng của nó ở nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân vẫn bộc lộ những hạn chế, cần được "nắn" trong dòng chảy hệ thống tín dụng. 
Xác lập hành lang pháp lý an toàn 
Theo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (tiền thân là Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương), để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 27-2-1993 về việc phê duyệt “Đề án thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân” theo ba cấp: quỹ tín dụng Trung ương, khu vực, cơ sở.
Tuy nhiên, với mô hình tổ chức và hoạt động còn mới đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế bởi liên kết giữa Quỹ tín dụng Trung ương và Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bị chia cắt, lỏng lẻo. Vì vậy, năm 2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 57 về củng cố, hoàn thiện và phát triển Quỹ tín dụng nhân dân; Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 135/2000/QT-TTg phê duyệt Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. 
Theo quyết định, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án tổng thể mở rộng mạng lưới hoạt động của Quỹ tín dụng Trung ương với việc chuyển đổi hệ thống quỹ tín dụng nhân dân thành mô hình hai cấp; trong đó, các quỹ tín dụng nhân dân khu vực được sáp nhập vào Quỹ tín dụng Trung ương và chuyển thành Chi nhánh của Quỹ tín dụng Trung ương. Đồng thời, đưa việc điều hòa vốn cho hệ thống về một mối cũng với các Chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương tiếp nhận điều hòa vốn cho các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở từ 32 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố là nơi chưa có Quỹ tín dụng nhân dân khu vực. 
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho biết sau hơn 12 năm củng cố, chấn chỉnh, đến năm 2013 số vốn điều hòa trong hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tăng trưởng 29 lần. Dư nợ cho vay trong hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tăng 27 lần. Cơ chế lãi suất tiền gửi điều hòa cũng được điều hành linh hoạt trên nguyên tắc đảm bảo cho các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có thể bù đắp đủ chi phí và có lãi... 
Trong bối cảnh tích lũy dân cư ngày càng cao, kinh tế nông nghiệp hướng tới mô hình sản xuất hàng hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhu cầu của các thành viên quỹ tín dụng nhân dân không chỉ đơn thuần là vốn mà còn là nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ tín dụng, thanh toán hiện đại. Một bước ngoặt trong hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng hợp tác là việc chuyển đổi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã vào năm 2013 hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Hợp tác xã năm 2012. 
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam, đánh giá với mô hình hoạt động mới của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân mà Ngân hàng Hợp tác xã là trung tâm, lấy tôn chỉ tương trợ phát triển sản xuất khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, kinh tế hợp tác làm hàng đầu đang góp phần tích cực cho sự phát triển của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cả về số lượng và quy mô hoạt động. 
Để xác lập hành lang pháp lý an toàn cho các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động phù hợp với tình hình thực tế và tạo sự liên kết chặt chẽ về vốn đối với các thành viên trong tổ chức tín dụng là hợp tác xã, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý như Thông tư 04/2015/TT-NHNN quy định về Quỹ tín dụng nhân dân, Thông tư 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán...
Những văn bản quy phạm pháp luật này bổ sung nhiều nội dung mới theo hướng chặt chẽ hơn, cơ cấu lại hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân theo đúng mục tiêu hoạt động là tổ chức tín dụng hợp tác xã. Ngoài ra, tăng cường quản trị điều hành cũng như giám sát và rà soát nội dung hoạt động nhằm hạn chế rủi ro, an toàn hệ thống. 
Theo Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân, nhờ những chính sách hỗ trợ từ hành lang pháp lý, ở những vùng nông thôn, vùng sâu nơi các ngân hàng thương mại chưa có điểm giao dịch, một số quỹ tín dụng nhân dân đã vươn lên và tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh với các loại hình tổ chức tín dụng khác trên địa bàn. Thông qua việc cho vay, các quỹ tín dụng nhân dân đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo, đời sống được cải thiện. 
Quỹ tín dụng nhân dân cũng vừa là đơn vị quản lý một phần tài sản của thành viên, vừa là nhà cung ứng vốn cho người dân trên địa bàn nên đảm bảo tính ổn định của việc đầu tư lâu dài. Mặt khác, thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cung cấp thông tin của quỹ tín dụng nhân dân mà trình độ, nhận thức của người dân cũng được nâng cao. Nhiều tệ nạn như hụi họ, cho vay nặng lãi được hạn chế và bị đẩy lùi; ý thức làm ăn kinh doanh, sử dụng đồng vốn của người dân được cải thiện rõ rệt. 
Theo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tính đến 31-12-2017, cả nước có gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân. Tổng nguồn vốn là 100.797 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay thành viên của toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là 79.367 tỷ đồng. Các khoản vay chủ yếu là cho vay ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống của thành viên và cư dân trên địa bàn. Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là 0,91%. 
Tăng hiệu quả hoạt động 
Theo chuyên gia kinh tế-tài chính, Luật sư Bùi Quang Tín, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên mô hình hợp tác xã, sở hữu tập thể. Theo đó, các thành viên góp vốn thành lập, gửi tiết kiệm vào quỹ và cho vay lại các thành viên với mục đích tương trợ để có vốn sản xuất, kinh doanh... trong phạm vi tương đối hẹp và tương đối đặc thù ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - những nơi hệ thống ngân hàng chưa bao phủ hết. Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, khoảng dưới 5% hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. 
Chính vì vậy, rủi ro trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân không chỉ xuất phát từ người cho vay mà còn xuất phát từ những thành viên, hội viên tham gia vào quỹ đó. Cũng theo chuyên gia Bùi Quang Tín, vấn đề thẩm định và theo dõi quá trình sau cho vay của quỹ tín dụng nhân dân cũng không đúng với chuẩn của hệ thống các ngân hàng mà hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang quản lý về góc độ quản trị điều hành. Ngoài ra, chính sách, cơ chế quản lý các quỹ tín dụng nhân dân chưa chặt chẽ và các chuẩn mực hiện nay áp dụng chưa theo chuẩn mực quốc tế. 
Các quỹ tín dụng nhân dân hiện nay gần như chỉ quan tâm cung cấp các khoản vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, chứ chưa thực sự chú trọng đến các khoản vay phục vụ tiêu dùng, nhu cầu khẩn cấp của hộ gia đình. Do đó vẫn còn tình trạng hộ gia đình phải đi vay “tín dụng đen”, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. 
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, trước tiên các quỹ tín dụng nhân dân cần tự rà soát lại toàn bộ từ chất lượng Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc; địa bàn hoạt động; việc xử lý vốn điều lệ, vốn góp và đặc biệt là những hoạt động nghiệp vụ. Qua đó, xây dựng phương án cơ cấu lại hoạt động. Đồng thời, báo cáo Ngân hàng Nhà nước để giám sát việc thực hiện cơ cấu lại cho phù hợp với quy định. 
Cùng với việc thanh tra giám sát, xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét, những kiến nghị của quỹ tín dụng nhân dân về những bất cập trong quy định của các văn bản pháp quy để rà soát, sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tiễn về tổ chức và hoạt động của tổ chức này. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành cơ chế xử lý các khoản vay của Ngân hàng Hợp tác xã đối với việc hỗ trợ các quỹ tín dụng gặp khó khăn mà không thu hồi được nợ. 
Đồng thời, ban hành Thông tư quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, thanh lý, phá sản đối với hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã và các văn bản pháp quy khác tạo hành lang pháp lý giúp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động. Từ đó hướng dẫn, chấn chỉnh và uốn nắn các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động đúng mô hình tổ chức hợp tác xã, đúng tôn chỉ mục đích, phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững theo mục tiêu chung của hệ thống. 
Song song với đó, xem xét thành lập lại đơn vị đầu mối chuyên trách trực tiếp quản lý hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống tổ chức tín dụng này thực sự trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. 
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), để phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân phải là đơn vị nắm bắt được nhu cầu đào tạo và thực trạng hiện tại của các quỹ tín dụng nhân dân trong hệ thống. Từ đó, chủ động phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố xây dựng nhu cầu đào tạo trung hạn và ngắn hạn đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. 
Chính quyền địa phương các cấp cũng cần nhận thức đúng vai trò của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Hợp tác xã và Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân tích cực ủng hộ và tuyên truyền về bản chất, mục tiêu hoạt động của mô hình quỹ tín dụng nhân dân tại địa phương. Đồng thời, hỗ trợ thiết lập các cơ sở hạ tầng dịch vụ tập trung cho hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ, phục vụ thành viên của hệ thống. Qua đó, sớm triển khai rộng rãi hệ thống ngân hàng điện tử CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. 
Luật sư Bùi Quang Tín đề xuất cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; trong đó, bổ sung cơ chế để thành viên quỹ hiểu và giám sát khi gửi tiền vào quỹ cũng như vay tiền từ quỹ. Bên cạnh đó, hiện nay đã có Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ là cơ sở để tái cơ cấu và xử lý ngân hàng cũng như quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
Thảo Nguyên-Văn Giáp (TTXVN/VIETNAM+) 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.