Khối ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới giao dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc mở rộng mạng lưới giao dịch tại các huyện cho thấy quyết tâm tiếp cận thị trường nông nghiệp, nông thôn, đưa nguồn vốn và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại đến gần hơn với khách hàng của khối ngân hàng thương mại.
 
Từ đầu năm đến nay, khối ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh liên tiếp khai trương các điểm giao dịch nhằm hiện thực hóa định hướng đưa hoạt động ngân hàng đến gần hơn với mọi thành phần kinh tế, dân cư ở cơ sở. Các ngân hàng chiếm lĩnh thị phần tốp đầu như: BIDV Gia Lai, BIDV Nam Gia Lai, Vietcombank Gia Lai đã khai trương phòng giao dịch tại huyện Đak Đoa, Ia Grai, Chư Prông. Ở khối ngân hàng tư nhân, Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) cũng khai trương chi nhánh tại TP. Pleiku, SCB Gia Lai mở thêm Phòng Giao dịch Đak Đoa, còn Sacombank khánh thành trụ sở mới Phòng Giao dịch Chư Sê.

 

Vietcombank Gia Lai là đơn vị thứ 5 mở Phòng Giao dịch tại huyện Chư Prông. Ảnh: S.C
Vietcombank Gia Lai là đơn vị thứ 5 mở Phòng Giao dịch tại huyện Chư Prông. Ảnh: S.C

Có thêm nguồn lực đầu tư, có thêm sự lựa chọn cho khách hàng tại các địa bàn giàu tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội là điều dễ nhận thấy nhất khi các ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới giao dịch tại các huyện. “Đak Đoa là vùng sản xuất nguyên liệu các mặt hàng nông sản xuất khẩu như: cao su, cà phê, hồ tiêu; tốc độ phát triển kinh tế  đạt 11,5%/năm, ngành nông-lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 47%, công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ đang ngày càng phát triển, giá bất động sản tăng nhanh. Nếu có thêm nguồn lực đầu tư, nhà đầu tư thì kinh tế của địa phương sẽ ngày càng phát triển”-ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, khẳng định. Đến nay, trên địa bàn huyện Đak Đoa đã có 5 ngân hàng hoạt động, cho thấy sức hấp dẫn từ một thị trường giàu tiềm năng cũng như mong muốn đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế-xã hội của các ngân hàng.

Tương tự, huyện Chư Prông cũng là địa bàn hấp thu vốn rất lớn khi có 5 ngân hàng hoạt động, tổng dư nợ hiện trên 5.000 tỷ đồng, dư nợ chỉ xếp sau TP. Pleiku. “Chư Prông hiện có 102 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã, gần 2.000 hộ kinh doanh; tổng giá trị sản xuất năm 2017 đạt 5.456 tỷ đồng. Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện để các ngân hàng hoạt động nhằm thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển năng động, an toàn và hiệu quả”-ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, khẳng định.      

Tại lễ khai trương Phòng Giao dịch Vietcombank tại huyện Chư Prông ngày 13-4 vừa qua, ông Trương Anh Tuấn-Giám đốc Vietcombank Gia Lai, cho biết: Chúng tôi hoạt động với phương châm “Vì sự phát triển của khách hàng”. Trong thời gian tới, định hướng hoạt động của Vietcombank là phục vụ mọi thành phần kinh tế và dân cư, tăng cường hoạt động bán lẻ, đặc biệt quan tâm đến các khách hàng thuộc khu vực dân doanh. Do đó, Chi nhánh đã cố gắng hướng hoạt động xuống địa bàn huyện và cơ sở để triển khai các dịch vụ ngân hàng. Hiện nay, ngoài Hội sở chính tại TP. Pleiku, Vietcombank Gia Lai đã hình thành 7 phòng giao dịch tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Được biết, Vietcombank Gia Lai hiện là đơn vị tốp đầu trong khối ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với dư nợ tín dụng xấp xỉ 13.000 tỷ đồng, huy động vốn trên 4.300 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đầu tư vào các lĩnh vực được xem là thế mạnh của địa phương (thủy điện, chế biến nông-lâm sản, thương mại-dịch vụ) đồng thời cung ứng hoạt động thanh toán xuất-nhập khẩu cho các doanh nghiệp... qua đó góp phần đáng kể cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Cuối năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 19 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, 1 Chi nhánh Ngân hàng Phát triển, 6 Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở với 118 điểm giao dịch tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Đến đầu tháng 4-2018, trên địa bàn tỉnh đã có thêm Chi nhánh Maritime Bank, Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã và 5 điểm giao dịch tại các huyện. “Tính đến nay, tổng dư nợ của Gia Lai đã xấp xỉ 80 ngàn tỷ đồng, huy động vốn gần 33 ngàn tỷ đồng. Việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh mở rộng mạng lưới hoạt động, nhất là địa bàn các huyện, sẽ góp phần tăng trưởng tín dụng, gia tăng sự lựa chọn, gia tăng cạnh tranh lành mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn, các dịch vụ thanh toán hiện đại cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của các huyện và của tỉnh”-ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, cho biết.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.