Tiền mất vì mã OTP bị đánh cắp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời điểm người dân nhập mã OTP của mình vào màn hình theo yêu cầu trên đường dẫn trang web giả mạo, đối tượng lừa đảo đã hoàn tất giao dịch gian lận, trong khi chủ tài khoản vẫn nghĩ rằng đang thực hiện giao dịch nhận tiền từ nước ngoài.

Sau một đêm thức dậy, chị H.T.N.H. hoảng hốt khi thấy thông báo có tất cả 7 giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của mình ở Ngân hàng Vietcombank sang một số tài khoản trung gian tại các ngân hàng khác, với tổng số tiền lên đến 500 triệu đồng. Điều quan trọng là chị H. không nhận được tin nhắn chứa mã OTP (One Time Password) để xác thực giao dịch, nhưng tiền trong tài khoản vẫn bị bốc hơi.

Nhận được trình báo của chị H., Ngân hàng Vietcombank đã khoanh giữ lại được 300 triệu đồng chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống, còn 200 triệu đồng đã bị rút qua ATM ở Malaysia.


 

 



Nhiều phương thức chiếm đoạt OTP

Theo thông tin do người bị hại cung cấp, trước đó chị H. truy cập vào một trang web giả mạo ngân hàng nên vô tình cung cấp tên tài khoản, mật khẩu Internet Banking, mã OTP để kẻ gian kích hoạt Smart OTP (phần mềm cho phép người dùng chủ động lấy mã xác thực OTP cho các giao dịch) trên một thiết bị di động khác. Từ đó, kẻ gian thực hiện hành vi rút tiền trái phép từ tài khoản của chị.

Vụ việc này là một trong những trường hợp bị mất tiền trong tài khoản do OTP bị đánh cắp xảy ra gần đây. Qua làm việc với những người bị hại, cơ quan công an xác định một số phương thức tội phạm sử dụng để đánh cắp mã OTP.

Chẳng hạn, các đối tượng này giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin cho chủ tài khoản thông báo có khoản tiền, quà tặng, khuyến mại... chuyển vào tài khoản; hoặc sử dụng mạng xã hội, e-mail, tin nhắn mạo danh ngân hàng điện tử thông báo tài khoản E-banking của chủ tài khoản bị xâm nhập trái phép và yêu cầu chủ tài khoản cung cấp thông tin đăng nhập, mã OTP. Sau khi có mã OTP, tội phạm chuyển tiền từ tài khoản của người bị hại đến tài khoản khác để rút ra chiếm đoạt.

Một phương thức khác là đối tượng lừa đảo tạo facebook giả mạo của những người thân, bạn bè, sau đó nhờ “con mồi” nhận giùm tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền từ nước ngoài. Nếu người dân truy cập vào trang web chuyển tiền quốc tế giả mạo do đối tượng lừa đảo cung cấp và nhập tên truy cập, mật khẩu thì đã vô tình cung cấp thông tin để tội phạm khởi tạo giao dịch chuyển tiền trên trang web của các ngân hàng.

Thời điểm người dân nhập mã OTP của mình vào màn hình theo yêu cầu trên đường dẫn trang web giả mạo, đối tượng lừa đảo đã hoàn tất giao dịch gian lận, trong khi chủ tài khoản vẫn nghĩ rằng đang thực hiện giao dịch nhận tiền từ nước ngoài.

Cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến

Từ những vụ việc chủ tài khoản mất tiền do mã OTP bị đánh cắp, Công an TP. HCM đề nghị người dân tăng cường cảnh giác trước loại tội phạm này. Để không vô tình trở thành người bị hại, người dân không mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho người khác sử dụng; không tiết lộ tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN của bất kỳ dịch vụ ngân hàng điện tử, mã OTP, mã kích hoạt dịch vụ cho bất cứ ai qua điện thoại, e-mail, mạng xã hội, ứng dụng; không truy cập vào các đường dẫn trang web lạ cũng như cẩn thận với những e-mail, tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng, nhận tiền, cảnh báo tài khoản bị nghi ngờ xâm nhập trái phép kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin truy cập dịch vụ... Đồng thời, người dân không sử dụng tên truy cập và mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng điện tử làm mật khẩu truy cập các hệ thống khác ngoài ngân hàng.

 

OTP là mật khẩu sử dụng một lần và được xem là lớp bảo vệ thứ hai cho các tài khoản ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến hay e-mail, mạng xã hội. Để chuyển tiền hay thực hiện một giao dịch trực tuyến, người dùng không chỉ dùng tài khoản và mật khẩu để đăng nhập, mà còn cần nhập đúng mã xác thực OTP mới hoàn tất được giao dịch. Người dùng có thể nhận mã OTP qua thiết bị hay ứng dụng tạo mã, hoặc được nhà cung cấp gửi đến qua tin nhắn SMS, điện thoại hay e-mail.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, chủ tài khoản nên đăng ký sử dụng đồng thời dịch vụ SMS Banking để nhận tin nhắn thông báo biến động số dư khi có giao dịch trên tài khoản, nhằm hạn chế rủi ro và tổn thất đến mức thấp nhất. Khi nhận được tin nhắn OTP, chủ tài khoản cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn (thông thường bao gồm: loại giao dịch, số tiền giao dịch, kênh giao dịch). Nếu nội dung tin nhắn không khớp đúng với giao dịch do chính chủ tài khoản đang thực hiện thì tuyệt đối không nhập mã OTP này vào bất kỳ trang web nào, cũng như không tiết lộ cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức.

Đặc biệt lưu ý là sau khi phát hiện ra vừa truy cập và đường dẫn trang web nghi ngờ giả mạo, hoặc vô tình trả lời thông tin cho người lạ gọi điện thoại tới, chủ tài khoản phải ngay lập tức thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến, Mobile Banking. Đối mặt với tội phạm công nghệ thông tin, việc làm tốt các bước phòng ngừa không bao giờ thừa.

Thục Hân (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.