Tín dụng cho doanh nghiệp chưa tăng mạnh: Vì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hầu hết các ngân hàng thương mại đều đang đẩy mạnh cho vay để đạt mức tăng trưởng tín dụng hợp lý. Tuy nhiên thời gian qua, tốc độ tăng trưởng chỉ tập trung chủ yếu ở khối khách hàng cá nhân, trong khi khối doanh nghiệp (DN) dư nợ tăng không lớn dù các chương trình tín dụng ưu đãi vẫn được triển khai…

  Doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Ảnh: T.N
Doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Ảnh: T.N
Từ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho vay với doanh số lũy kế đạt 35.797 tỷ đồng, dư nợ đến cuối năm 2016 là 18.964 tỷ đồng. Chương trình đã tạo cơ hội cho nhiều DN có điều kiện phát triển vươn lên. Tỉnh đặt mục tiêu bình quân hàng năm có trên 500 DN thành lập mới và đến năm 2020 sẽ có trên 6.000 DN hoạt động; phấn đấu khu vực DN đóng góp khoảng 56% tổng thu ngân sách và 49% tổng vốn đầu tư trên địa bàn.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nền kinh tế được đánh giá là dồi dào, mặt bằng lãi suất tương đối thấp, khả năng hấp thụ vốn cải thiện đáng kể, nợ xấu ngân hàng ở mức an toàn, chiếm 0,47% tổng dư nợ. Song, đầu tư tín dụng trong thời điểm nền kinh tế có nhiều nguy cơ rủi ro mà theo các ngân hàng thương mại, yếu tố khách quan lẫn chủ quan đều phải hết sức cẩn trọng.

Được đánh giá là một trong những ngân hàng có quy mô lớn với tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp, Chi nhánh BIDV Nam Gia Lai chú trọng phát triển tín dụng mảng bán lẻ, trong đó ưu tiên vốn cho DN nhỏ và vừa. Theo ông Lâm Quốc Vinh-Giám đốc Chi nhánh, đơn vị đã nỗ lực đưa ra mức lãi suất cho vay hợp lý, khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay được rút ngắn, hiện chỉ còn khoảng 1,2%/năm đối với kỳ ngắn hạn và 2%/năm kỳ trung-dài hạn. Thế nhưng, tín dụng cho DN vẫn không tăng mạnh. Dẫn chứng cho điều này, ông Vinh cho rằng thời gian qua trên địa bàn có quá ít dự án mới được triển khai, ngân hàng không có cơ hội đẩy mạnh đầu tư vốn cho DN, nhất là DN ở lĩnh vực giao thông. Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp đang mở ra nhiều triển vọng. Nhiều DN đã nhân rộng mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

“Các ngân hàng xác định dịch chuyển vào mảng bán lẻ sẽ có nhiều tiềm năng, phát huy hiệu quả đồng vốn. Ngược lại, đầu tư cho DN rủi ro sẽ lớn hơn, khi DN có năng lực tài chính yếu, vốn đối ứng thường không đảm bảo. Lúc đó, việc đầu tư tín dụng triển khai dự án luôn đặt ngân hàng vào trạng thái bấp bênh. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng dè chừng, cân nhắc, thắt chặt điều kiện cho vay. Rồi công tác quản trị của các DN siêu nhỏ không chuyên nghiệp, chưa minh bạch về mặt thông tin, kiểm soát dòng tiền khó khăn, nên ngân hàng không thể đánh giá đúng tình hình của DN”-Giám đốc một ngân hàng thương mại thừa nhận.

Một nguyên nhân nữa được các ngân hàng chỉ ra, đó là hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp trên địa bàn chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, chưa hình thành các ngành sản xuất trọng điểm. Ngoài những DN được xếp hạng tín nhiệm cao, còn không ít DN vay vốn nhưng hoạt động không hiệu quả, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, lợi nhuận không có, thậm chí là lỗ nên khả năng thanh toán nợ ngân hàng đến hạn cũng rất khó khăn. Cùng với đó, không ít DN vẫn đang vướng vào nợ cũ, không còn tài sản đảm bảo nên khó có thể tiếp cận được những khoản vay mới. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai cho biết: “Trên thực tế có nhiều ngân hàng nới lỏng điều kiện vay vốn, hoặc chạy chỉ tiêu tăng trưởng nên chấp nhận cả những khách hàng chưa thật sự tốt. Trong điều kiện hiện nay, Chi nhánh SHB Gia Lai chỉ có thể hỗ trợ khách hàng qua việc cởi trói về giá vốn, chứ không thể cởi trói về điều kiện”.

Để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển, ngân hàng nào cũng ra sức tìm kiếm khách hàng. Song, hầu hết các gói tín dụng ưu đãi chỉ tập trung vào những DN lớn là chính, việc “mời chào” DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận là rất hiếm, mà yếu tố rủi ro là đáng quan ngại nhất đối với các ngân hàng thương mại.

Trước những e ngại của ngân hàng đối với việc hỗ trợ và tăng nguồn đầu tư cho DN, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, ngân hàng cũng là DN kinh doanh hàng hóa đặc biệt-đó là tiền tệ. Cho vay gắn với kiểm soát tốt chất lượng tín dụng là nỗ lực rất lớn của ngành. Song, ngân hàng phải mạnh dạn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Ngân hàng nên có lãi suất phù hợp, lấy số đông làm lãi. Từ đó, nghiên cứu thực hiện ổn định lãi suất trong giai đoạn xây dựng cơ bản cho nhà đầu tư đến với Gia Lai. Cùng với đó, tỉnh sẽ song hành hỗ trợ DN về mặt cơ chế, chính sách liên quan như rà soát loại bỏ các rào cản, kiên quyết xử lý những tồn tại đang gây khó khăn cho DN.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.