Tăng cường các giải pháp thu ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn có tác động quan trọng đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Song do ảnh hưởng từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan, một số nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN của tỉnh Gia Lai đã giảm so với cùng kỳ năm 2015...

Nhiều nguồn thu lớn giảm

Tính đến hết tháng 8-2016, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.304 tỷ đồng (đạt 69% dự toán Bộ Tài chính, 67% dự toán HĐND tỉnh, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, số thu do cơ quan Thuế quản lý đạt gần 2.085 tỷ đồng. Mặc dù công tác thu ngân sách còn nhiều khó khăn do tác động từ chính sách thuế mới, tác động từ nền kinh tế song ngành Thuế vẫn đảm bảo tiến độ thu được giao. Hiện có 11/18 đơn vị thu đạt mức khá so với chỉ tiêu Cục Thuế giao (trên 62%) và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước là các Chi cục Thuế: Pleiku, An Khê, Mang Yang, Đak Đoa, Kbang, Ayun Pa, Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pah, Đak Pơ.

 

Một số nguồn thu ngân sách đã giảm so với cùng kỳ năm 2015.
Một số nguồn thu ngân sách đã giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, tình hình thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, trong đó ngành nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất điện năng vốn là lợi thế của tỉnh đã bị tác động rất lớn. Giá nông sản liên tục biến động, cộng với sự cạnh tranh gay gắt trong ngành mía đường… vẫn đang là những thách thức cho các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, không ít DN ngưng hoạt động, phá sản, giải thể; số DN có sự đầu tư mở rộng quy mô hoạt động vẫn chưa nhiều. Đó là chưa kể hiện nay, 95% DN trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, sức cạnh tranh thấp, gặp khó khăn trong việc ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phân tích kết quả thu của Cục Thuế tỉnh cho thấy, số thu từ khu vực công thương nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu, đạt 652 tỷ đồng (đạt 66% dự toán, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2015); thu từ DN nhà nước trung ương đạt 416,3 tỷ đồng (đạt 50% dự toán, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2015). Nguyên nhân là do thời tiết khô hạn nên sản lượng phát điện của các công ty thủy điện đạt thấp. Ví dụ như Thủy điện Ia Ly giảm 42,4 tỷ đồng; Thủy điện Sê San 4 giảm 14 tỷ đồng; Thủy điện Sê San 3A giảm 3,7 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Focosev giảm 13,6 tỷ đồng… Thu từ DN nhà nước địa phương cũng giảm đến 29% so với cùng kỳ năm 2015 và mới chỉ đạt 50% dự toán. Nguyên nhân chủ yếu là Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh chuyển nộp sang khu vực DN nhà nước trung ương từ tháng 5-2016 khiến nguồn thu giảm 13,5 tỷ đồng. Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 24% so cùng kỳ năm 2015, nhưng lại đạt 128% dự toán. Kết quả này chủ yếu là do phát sinh và truy thu thuế của nhà thầu nước ngoài lắp đặt máy móc thiết bị cho DN trên địa bàn.

Chỉ một số khoản thu thực hiện đạt và tăng so cùng kỳ năm 2015 như thuế thu nhập cá nhân đạt 155,3 tỷ đồng (đạt 76% dự toán, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2015); thu tiền sử dụng đất đạt 181,6 tỷ đồng (đạt 91% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015); thuế bảo vệ môi trường đạt 317,6 tỷ đồng (đạt 74% dự toán, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2015)…

Tăng cường các giải pháp thu

Về những giải pháp triển khai thực hiện trong những tháng cuối năm, ông Ksor Kut-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Ngành Thuế tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thu; chú trọng phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt là phân tích các nguyên nhân tác động làm tăng giảm nguồn thu theo từng lĩnh vực thu, địa bàn thu để nhanh chóng báo cáo, tham mưu UBND tỉnh và các địa phương đề xuất hướng tháo gỡ. Tiếp tục thực hiện việc đôn đốc người nộp thuế thực hiện kê khai thuế, nộp thuế kịp thời vào ngân sách theo các quy định hiện hành; tăng cường quản lý các khoản thu về đất; quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng…

 

Theo dự toán HĐND tỉnh giao, trong năm 2016, thu ngân sách của tỉnh phải đạt 3.415 tỷ đồng, trong đó riêng ngành Thuế là 3.085 tỷ đồng. Qua 8 tháng thực hiện, ngành Thuế đã thu được gần 2.085 tỷ đồng. Như vậy, 4 tháng còn lại của năm nay, ngành Thuế phải thực hiện thu tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng nữa mới hoàn thành chỉ tiêu.

Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt nhằm bảo đảm tiến độ đề ra; xử lý, truy thu nộp vào ngân sách. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp thu hồi nợ đọng; tiếp tục công khai thông tin DN nợ thuế lớn trên website Bộ Tài chính, ngành Thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền chính sách pháp luật thuế; thực hiện tốt dịch vụ hỗ trợ DN, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.