Tháo gỡ khó khăn về vốn: Chính quyền và ngân hàng cùng vào cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh đẩy mạnh đầu tư vốn cho nền kinh tế thông qua các chương trình tín dụng, ngành Ngân hàng đã chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền một số địa phương để nắm bắt tình hình cụ thể về nhu cầu vốn, đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện công tác phối hợp ở một số địa phương như TP. Pleiku, huyện Chư Prông, Chư Pah, có thể thấy ách tắc vốn đã dần được tháo gỡ. Là địa phương có số chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đứng chân nhiều nhất (chiếm đến 45% số lượng toàn tỉnh), TP. Pleiku hiện có 22 chi nhánh ngân hàng, 2 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở với 52 chi nhánh, phòng giao dịch. Đến cuối tháng 6-2016, nguồn vốn huy động trên địa bàn TP. Pleiku đạt 19.047 tỷ đồng, chiếm 67% nguồn vốn huy động toàn tỉnh; dư nợ cho vay đạt 36.885 tỷ đồng, chiếm 62% tổng dư nợ toàn tỉnh.

 

Ngành Ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và hộ gia đình.   Ảnh: Đ.T
Ngành Ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Ảnh: Đ.T

Cũng là huyện có mạng lưới tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển và mở rộng, Chư Prông đã có chi nhánh cấp IV và phòng giao dịch của 4 đơn vị ngân hàng, đó là: Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Phố Núi, Ngân hàng Chính sách Xã hội. Quy mô tín dụng đứng thứ 2 trên địa bàn tỉnh. Hay như Chư Pah hiện chỉ có 2 chi nhánh của 2 tổ chức tín dụng là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng đã có 18 chi nhánh ngân hàng tham gia đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Nguồn vốn ngân hàng không ngừng tăng trưởng, vốn được đẩy mạnh đầu tư trong mọi lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Nói về hiệu quả và chất lượng vốn vay, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho rằng, việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình phát triển sản xuất-kinh doanh đang dịch chuyển đúng hướng, đầu tư đúng trọng tâm, góp phần hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, khai thác tốt hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Hiện nay, tiến độ triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; cho vay tái canh cà phê, cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp còn chậm. Giá cà phê, cao su giảm thấp, hạn hán kéo dài nên người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ; một số khoản tín dụng có thời hạn chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất nên khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn. Công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng và dịch vụ ngân hàng còn hạn chế nên người dân chưa nắm rõ; tình trạng sử dụng vốn vay ngân hàng sai mục đích còn xảy ra. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm nên người dân khó tiếp cận vốn ngân hàng, một số cá nhân không hoạt động ngân hàng nhưng quảng cáo, treo bảng thực hiện không đúng quy định; nạn tín dụng đen còn tồn tại…

Để giải quyết vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, chính quyền các địa phương đã cam kết chỉ đạo các ban ngành của huyện tạo điều kiện hỗ trợ ngành Ngân hàng trong hoạt động kinh doanh cũng như phát triển mạng lưới; phối hợp với ngân hàng trong việc giám sát sử dụng vốn vay và giải quyết thu hồi nợ vay quá hạn nhằm tránh thất thoát, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ngân hàng trên địa bàn trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; tăng cường chỉ đạo các xã, phường, các phòng, ban tích cực phối hợp với các ngân hàng trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến người dân. Trước mắt, tập trung triển khai Nghị định 55/NĐ-CP về cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn; tuyên truyền chính sách, tạo điều kiện cho các hộ, doanh nghiệp tiếp cận với gói tín dụng chính sách, đặc biệt là trong việc đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu... Đối với chương trình cho vay tái canh cây cà phê, sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình có diện tích tái canh cây cà phê thực hiện theo đúng quy trình ban hành; tiếp tục kiến nghị với tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để xem xét giải quyết cho phù hợp với tình hình thực tế.

Về phía ngành Ngân hàng, tiếp tục ưu tiên việc mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng tại địa bàn huyện để tạo điều kiện đầu tư vốn và đáp ứng các dịch vụ, tiện ích cho người dân; cung cấp nguồn vốn tín dụng với lãi suất và cơ cấu thời hạn trả nợ phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại áp dụng hình thức cho vay theo hạn mức tín dụng để giúp cho người dân chủ động trả được nợ ngân hàng khi đến hạn. Đối với các trường hợp vay vốn sản xuất nông nghiệp nhưng bị thiệt hại do hạn hán gặp khó khăn chưa trả được nợ vay, ngân hàng sẽ kiểm tra, xem xét để thỏa thuận cho gia hạn, cơ cấu nợ phù hợp và cho vay mới tạo điều kiện để người dân tiếp tục sản xuất và trả được nợ vay…

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.