Ngành ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, tạo sự bình đẳng, thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong việc tiếp cận vốn và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng là những mục tiêu mà kế hoạch hành động của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang hướng đến…

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ bán lẻ, tối ưu hóa quy trình cung cấp dịch vụ thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và hình thức phục vụ, đáp ứng mọi nhu cầu về dịch vụ ngân hàng hiện đại bảo mật. Ngoài việc gia tăng các tiện ích cho khách hàng sử dụng thẻ trong thanh toán các dịch vụ như: tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại… thì các ngân hàng thương mại đang rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ và ngày càng quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ thẻ ở địa bàn nông thôn qua việc tăng cường lắp đặt máy ATM, POS. Ông Phan Tiến Thu- Giám đốc Chi nhánh Agribank Gia Lai cho biết, hiện Chi nhánh đã có hơn 170.000 khách hàng đang quan hệ gửi tiền và sử dụng dịch vụ thẻ với 140.000 thẻ ATM. Trong số đó, 80% chủ thẻ là ở vùng nông thôn.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, trong nỗ lực đổi mới toàn diện của ngành ngân hàng, phát triển dịch vụ bán lẻ là xu hướng được nhiều ngân hàng lựa chọn. Nhằm tăng cường đổi mới thủ tục giao dịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, các chi nhánh ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính như cải tiến mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch bằng các phương tiện điện tử trên môi trường mạng với tính năng an toàn, bảo mật cao; tiếp tục đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, niêm yết công khai thủ tục cho vay. Bên cạnh đó, các TCTD sẽ tiếp tục cải tiến theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán để giảm chi phí và thời gian khi khách hàng đến giao dịch; rà soát, công khai các loại phí dịch vụ…

Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng

Việc nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong cung cấp tín dụng cho nền kinh tế là cần thiết nhằm lành mạnh hóa hệ thống các TCTD. Do đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đã chỉ đạo 26 TCTD trên địa bàn tiếp tục đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro; tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở định hướng đầu tư, các TCTD ưu tiên vốn vay cho những lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kịp thời cung cấp thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp nhận những phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng.

Có thể thấy, xu hướng hiện nay là các ngân hàng thương mại nhà nước đang tập trung tín dụng cho doanh nghiệp lớn, còn các ngân hàng thương mại cổ phần thì tập trung khai thác nguồn khách hàng từ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Nguyễn Văn Cư, chỉ tính riêng dư nợ từ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn (đến đầu tháng 7-2016) đã đạt 18.792 tỷ đồng; dư nợ đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên (trong đó phần lớn dành cho doanh nghiệp) gần 6.000 tỷ đồng. Trong tình hình hiện nay, các TCTD đang tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Hiện các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai các gói tín dụng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất-kinh doanh, có những gói lãi suất ưu đãi chỉ 6,5%-7%/năm. Gia Lai đặt mục tiêu bình quân hàng năm có trên 500 doanh nghiệp được thành lập mới, và đến năm 2020 sẽ có trên 6.000 doanh nghiệp hoạt động; phấn đấu khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 56% tổng thu ngân sách và 49% tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Do đó, việc tập trung cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng sẽ góp phần rất lớn trong việc tăng khả năng hấp thụ vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đạt được mục tiêu đề ra.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.