Vẫn còn nghịch lý khi các doanh nghiệp vay vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước bề bộn khó khăn, nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp (DN) lúc này là được vay vốn để tháo gỡ. Song trong khi DN than trời không vay được vốn thì các ngân hàng lại hỏi ngược: “Tiền chúng tôi có, tại sao DN lại không vay được?”.

Trên 1.000 DN dừng hoạt động, phá sản hiện tại, vẫn là con số thống kê chưa đầy đủ (và sẽ tiếp tục tăng) khi những khó khăn trước mắt đối với DN vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Khó chồng khó đối với DN khi sức tiêu thụ giảm, hàng tồn kho trong khi phải chịu lãi suất ngân hàng cao. Nhiều DN khác cạn vốn nhưng lại không với tới vốn của ngân hàng.

Một đại diện của Hội Doanh nghiệp cho biết: “Khát vốn nhất thời điểm này là những DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xây dựng và công nghiệp (sửa chữa máy móc, sản xuất thiết bị nông-cơ). Không tiếp cận được vốn từ ngân hàng, nhiều DN bày tỏ sẵn sàng vay vốn với lãi suất rất cao, thậm chí chấp nhận vay nóng”. Anh Lê Văn Tâm, chủ một DN xây dựng chán nản: “Số tiền được ứng trước để thi công công trình chẳng giải quyết được gì nhiều trong tình hình hiện tại khi giá vật liệu xây dựng lên xuống thất thường, giá nhân công ngày càng tăng. Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, buộc lòng tôi phải vay ngân hàng. Nhưng giờ hết tài sản thế chấp nên không vay được nữa, tôi đang tính tới chuyện vay ở ngoài. Giá mà ngân hàng linh động phần nào”.

Cùng “số phận”, anh Mai Ngọc Hải, Giám đốc một DN chuyên về cơ khí trình bày: “DN muốn mở rộng sản xuất kinh doanh với nhiều dự án chuẩn bị triển khai nhưng không tìm được nguồn vay trung-dài hạn. Vả lại lãi suất trên thực tế vẫn còn cao”. Một điều không nói nhưng ai cũng biết là hệ thống ngân hàng cũng chia ra ngân hàng mạnh và yếu. Và trong hoạt động liên quan đến hệ thống này có những quy tắc ngầm. Các DN may mắn tiếp cận được vốn vay ngân hàng mạnh sẽ không phải mất phí “bôi trơn” mà vẫn được vay với lãi suất thấp, những vay vốn của ngân hàng yếu, ngoài lãi suất thực tế họ còn phải mất thêm các loại phí “phụ trợ”. Vì vậy, lãi suất có thể đội lên thêm đến 4-5%, thậm chí 8-9% so với quy định. Vậy nên kêu ca thì cứ kêu ca, rốt cuộc cũng chẳng để làm gì bởi đã tham gia “cuộc chơi” thì phải chấp nhận.

Trước những phản ánh từ DN, dường như nguyên nhân của mọi khó khăn, đình trệ đổ dồn về phía ngân hàng. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: “Đến nay, vốn huy động từ các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh là gần 14.100 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ hiện là 27.570 tỷ đồng. Hiện tại nguồn tiền tại các ngân hàng đều khá dồi dào, vậy tại sao các DN lại không vay được vốn? Lãi suất cho vay trước đây đúng là có cao thật, nhưng nay hạ xuống còn 14%, đặc biệt đối với lĩnh vực cho vay nông thôn, nông nghiệp, xuất khẩu của DN vừa và nhỏ. Các DN nào làm ăn tốt có đủ điều kiện vay vốn đến ngân hàng sẽ giải quyết cho vay ngay vì hiện nay ngân hàng vốn không thiếu. Việc tiếp cận vốn ngân hàng không được, tôi nghĩ bản thân DN cũng hiểu quá rõ nguyên nhân”. Theo ông Cư, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn là bởi thiếu tài sản thế chấp. Điều kiện vay vốn đòi hỏi phải đảm bảo đầy đủ nhưng các DN thường không đáp ứng được, hồ sơ tài chính chứng minh đầu vào, đầu ra không có. Thực tế, ngân hàng nào cũng rất muốn giải ngân, vì tiền trong ngân hàng cũng cần phải lưu thông chứ không thể “chôn” mãi được, nhưng vì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn nên ngân hàng phải “nắm đằng chuôi”.

Nguyên nhân khiến DN khó tiếp cận vốn ngân hàng nữa là bởi năng lực tài chính yếu, vốn hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng. Trong tình hình kinh tế khó khăn, hàng hóa tồn đọng, DN hết tài sản để thế chấp, nợ cũ chưa trả thì tất yếu không thể vay mới. Lãi suất đã giảm nhưng điều kiện giải ngân của các ngân hàng không thay đổi, đồng nghĩa với việc dòng vốn giá rẻ từ ngân hàng lúc này sẽ chỉ tìm đến những điểm đầu tư an toàn, những DN làm ăn thực sự hiệu quả. Phải mạnh dạn giảm lãi suất để cứu DN nhưng hoạt động của ngân hàng cũng là kinh doanh, cũng cần có lãi.

“Cám treo mà heo nhịn đói” trong trường hợp này hình như không phải là nghịch lý. Việc đề ra các giải pháp đồng bộ đồng thời để giải cứu DN xem ra không phải là điều đơn giản. Có lẽ trăn trở lớn nhất của những người làm công tác quản lý thời điểm này là làm thế nào để cải thiện “sức khỏe” của các DN, nhất là những DN có “sức đề kháng” yếu?

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.