Cục Thú y cảnh báo dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cục Thú y khuyến cáo về dịch tả lợn châu Phi - Ảnh minh họa
“Khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin”, Cục Thú y khuyến cáo.
Tiêu hủy hơn 200 con lợn nhiễm bệnh
Theo thông tin từ Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vừa được phát hiện tại hộ ông Dương Văn Vũ ở xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên và hộ ông Lê Xuân Tình, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Tại tỉnh Thái Bình, DTLCP được phát hiện tại một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà. Tổng số lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy là trên 200 con, đa phần là lợn con và lợn choai theo mẹ.
Về nguyên nhân xuất hiện 3 ổ DTLCP tại Việt Nam, Cục Thú y cho rằng nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam và các nước khác là rất cao (có thể thông qua vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết, có mầm bệnh được mang từ nơi này nơi khác).
Mặt khác, yếu tố con người và phương tiện vận chuyển đi từ nơi này sang nơi khác cũng là một nguyên nhân. Ví dụ: Tại Trung Quốc, nghiên cứu dịch tễ tại 68 ổ dịch đã chỉ ra rằng 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người nhưng không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tần suất vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước; Lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh DTLCP vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...).
Do bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nên nhiều người dân vì lợi ích trước mắt, vì giá lợn hơi các tháng cuối năm cao nên bất chấp dịch bệnh, vẫn buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18.2.2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh DTLCP. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Cục Thú y cho hay, theo một số nguồn tin, khả năng bệnh DTLCP đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực nhưng chưa được thông tin chính thức. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ở các nước trong khu vực là rất cao.
DTLCP là bệnh truyền nhiễm xảy ra do vi rút. Lợn bị nhiễm có nhiều triệu chứng, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển. Do đó, việc chẩn đoán bệnh khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, cần lấy mẫu gửi về phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút.
Bệnh này chưa điều trị được
Cục Thú y khuyến cáo, đối với hộ chăn nuôi, gia trại, thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; Có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.
“Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín, tốt nhất là không sử dụng. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào”, Cục Thú y nêu.
Khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này chưa điều trị được, chưa có vắc xin. Không để những người bán cám, bán thuốc vào khu chuồng nuôi nếu chưa thực hiện sát trùng tiêu diệt mầm bệnh.
Đối với trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biệt pháp xử lý, sát trùng mọi ngương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm...
Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại. Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân.
Lam Thanh (MOTTHEGIOI.VN)

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.