Họp Ban chỉ đạo Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 7-8, tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 để triển khai kế hoạch tổ chức. Ông Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp; bà Huỳnh Nữ Thu Hà- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban và các thành viên trong Ban chỉ đạo cùng tham dự. 
Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai 2018. Ảnh: Hoàng Ngọc
Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai 2018. Ảnh: Hoàng Ngọc
Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2018 do tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức ,quy mô khu vực, có sự tham gia của 5 tỉnh Tây Nguyên và các cơ quan của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, bảo tồn, phục hồi giá trị của kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại; góp phần tuyên truyền, vận động để các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực, trong nước giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.  Đây được xem là sự kiện văn hoá-xã hội trọng tâm của tỉnh, là dịp để quảng bá hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế; mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, phát triển, xây dựng địa phương ngày càng vững về an ninh-chính trị, mạnh về kinh tế- xã hội trên một vị trí chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Sự kiện văn hoá này còn được kỳ vọng thu hút làm tăng lượng du khách đến Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. 
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện kế hoạch tổ chức Festival. Theo đó, sự kiện này sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 9 đến ngày 11-11-2018) với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”, huy động khoảng 2.000 người tham gia.

Các hoạt động chính trong Festival gồm có: chương trình nghệ thuật tổng hợp, trình diễn cồng chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên; lễ hội đường phố; ngày văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên; phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; diễn xướng sử thi, hát dân ca; triển lãm ảnh nghệ thuật, ảnh tư liệu của người nước ngoài về “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”, triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của hoạ sĩ Xu Man- nghệ sỹ mỹ thuật tiêu biểu của Gia Lai; triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam; hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”. 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi
Ngoài ra, một số hoạt động góp thêm sắc màu cho Festival là các tour du lịch mới, du lịch cộng đồng do các doanh nghiệp lữ hành giới thiệu, tổ chức phục vụ du khách dịp này; lễ hội Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đăng Ya; hội nghị xúc tiền đầu tư; lễ khánh thành Quốc môn (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Đức Cơ); hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao; cà phê đường phố; ẩm thực Tây Nguyên và 3 miền; giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo, ông Võ Ngọc Thành yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo cần làm hết chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn các Tiểu ban để triển khai Festival cồng chiêng Tây Nguyên một cách chu đáo, chặt chẽ, an toàn, thành công. Nội dung và công tác tuyên truyền cho sự kiện này cần được tổ chức khoa học, hợp lý vì đây là sự kiện văn hoá- xã hội cấp khu vực với nhiều nội dung, hoạt động quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh Gia Lai và thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Hoàng Ngọc 

Có thể bạn quan tâm