Cần tập trung xử lý những vấn đề bức xúc xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 7-2, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trị hội nghị. Tham gia ở phía đầu cầu Gia Lai có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpa Thuyên; cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh. 
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Tăng trưởng toàn diện trên cả 3 khu vực: Nông, lâm, thủy sản tăng 3,93%, tăng gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp và xây dựng tăng trên 9%, cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; dịch vụ tăng 6,9%. Đặc biệt, động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì. 
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội. Ảnh: Q.T
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội. Ảnh: Q.T
Thu ngân sách nhà nước đạt khá, ước đạt gần 652 ngàn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 ngàn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất 41,3% và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân…
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. 
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm. Dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm tuy có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cảnh báo, kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam…
Tại Gia Lai, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Gia Lai ước đạt 7,39%; thu ngân sách nhà nước, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ năm 2017…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương quan tâm công tác phòng chống thiên tai; tình hình an ninh trật tự. Ảnh: Q.T
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương quan tâm công tác phòng chống thiên tai; tình hình an ninh trật tự. Ảnh: Q.T
Tại hội nghị, các bộ ngành Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận các vấn đề như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, tình hình tai nạn diễn biến, tình hình an ninh trật tự, thiên tai… Đồng thời, các đại biểu đã nêu ra những khó khăn, thách thức cũng như kiến nghị, đề xuất các chủ trương, biện pháp, định hướng để tập trung giải quyết trong thời gian tới nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững tình hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, trọng tâm là đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thành sớm các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế…
 Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành Trung ương, các địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường hiện nay; chú trọng đến công các phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, quan tâm đến đời sống gia đình chính sách, người có công. Các bộ ngành, các địa phương cần ập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cấp, các ngành, các địa phương cần chỉ đạo, đôn đốc kế hoạch sản xuất công nghiệp, tập trung nhóm ngành có khả năng tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sản xuất lớn của nền kinh tế; tập trung ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc ngay từ cơ sở; tăng cường đối thoại, giải trình, xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp, ổn định tình hình an ninh-chính trị tại địa phương…
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.