Những dự án "đầu chuột, đuôi voi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một câu chuyện được các đại biểu quan tâm tranh luận nhiều tại diễn đàn Quốc hội mấy ngày qua là vấn đề nợ công, mà một trong những nguyên nhân là tình trạng dự án đầu tư đội vốn gấp nhiều lần xảy ra tràn lan ở hầu khắp các địa phương, làm vỡ kế hoạch phân bổ vốn cho đầu tư phát triển, gây nợ nần dây dưa cho đất nước. Nếu không phải là biểu hiện về sự non kém của cơ quan lập dự án thì đây chính là biểu hiện của tâm lý xài tiền chùa, đổ nợ cho ngân sách.

Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tình trạng điều chỉnh vốn xảy ra ở hầu khắp các dự án với số tiền tăng thêm khá lớn. Đơn cử như dự án Cảng nhập than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân sau 3 lần điều chỉnh tăng thêm hơn 3.020 tỷ đồng; dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 tăng thêm 10.322 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đak Đrinh tăng 1.488 tỷ đồng và đang xin điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỷ đồng; dự án Thủy điện Nậm Chiến sau 4 lần điều chỉnh tăng vốn lên hơn 3.360 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (thuộc Khu Di tích Lịch sử Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) điều chỉnh từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, nghĩa là tăng đến 36 lần so với ban đầu.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Thật khó có thể kể chính xác có bao nhiêu dự án điều chỉnh tăng vốn nhưng chắc chắn sẽ không là con số nhỏ. Chỉ riêng 3 dự án đường sắt trên cao đang triển khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đủ làm dư luận nóng lên khi nguồn vốn đã đội lên hơn 60.000 tỷ đồng.  

Nguyên nhân được cho là do tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”, phê duyệt dự án khi chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng hoặc trùng lắp với dự án khác. Có trường hợp phê duyệt vượt định mức; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án; chưa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình thiết kế; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, chọn nhà thầu bỏ giá thấp mà chưa quan tâm đến năng lực thực sự của nhà thầu, sập bẫy giá rẻ, dẫn đến phải điều chỉnh vốn nhiều lần với giá trị lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà các đại biểu Quốc hội chất vấn gay gắt, thậm chí là nghi ngờ tính minh bạch của dự án nạo vét kênh Sào Khê. Đặc biệt, theo kết quả thanh tra 10 dự án có mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại tỉnh Ninh Bình thì tất cả đều đội vốn từ vài trăm tỷ đồng đến cả ngàn tỷ đồng, trong đó có dự án nạo vét lòng sông Đáy, đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy để thoát lũ cho sông Hoàng Long “phình” ra hơn 7.000 tỷ đồng (từ 2.078 tỷ đồng tăng lên 9.720 tỷ đồng, do Tập đoàn Xuân Thành được tỉnh Ninh Bình chỉ định thầu).

Đây là nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách, mất cân đối nguồn lực đầu tư phát triển, là mảnh đất màu mỡ cho nạn lãng phí, tham nhũng, thất thoát, đục khoét công trình. Sâu xa hơn, tình trạng này còn làm tăng gánh nặng nợ công cho đất nước.

Bởi ngoài ngân sách nhà nước thì các dự án đầu tư công chủ yếu là nguồn vốn vay. Nếu không được ngăn chặn, gánh nặng nợ công sẽ ngày càng tăng thêm, chất lượng nợ công ngày càng giảm sút. Theo dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua thì bội chi năm 2018 là 204 ngàn tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP và tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng. Tăng vốn, đội vốn sẽ còn xảy ra nếu quy trình triển khai các dự án từ ngân sách không tuân thủ nghiêm ngặt Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư.

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc để xảy ra chậm tiến độ dự án sẽ làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, gồm 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu dự án chậm trễ từ 2 đến 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính. Vì vậy, chỉ cần tính sơ qua một số dự án có “tốc độ rùa” của ngành Giao thông-Vận tải cũng đủ thấy sự thiệt hại không hề nhỏ cho ngân sách, mà nếu không sớm có giải pháp giám sát và kiểm toán chặt chẽ thì việc các dự án này tiếp tục đội vốn là điều khó tránh khỏi.

Chính phủ đang tìm mọi cách để tái cơ cấu nguồn lực đầu tư phát triển. Những đồng vốn của dân cần được quản lý, sử dụng một cách hiệu quả thông qua các công cụ kiểm tra, giám sát hữu hiệu của Nhà nước. Không thể để người dân mỏi mòn chờ đợi, trong khi phải chắt chiu từng đồng tiền thuế để trả lãi hàng tỷ đồng mỗi ngày do các dự án chậm chạp này gây ra. Không để những kẻ cơ hội, tham nhũng đục khoét ngân khố quốc gia, đục khoét lòng tin của dân vào nỗ lực kiến tạo của Chính phủ.

Vân Thiêng

Có thể bạn quan tâm