15 năm hợp tác đầu tư giữa Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh từ 15 năm qua (2003-2018) đã tăng cường hợp tác, đầu tư giữa 2 địa phương. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư và có thương hiệu, uy tín ở Gia Lai như: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng, Tập đoàn Thành Thành Công, Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Vinatex, Công ty May Nhà Bè... Không ít doanh nhân Phố núi cũng vào đầu tư, làm ăn và gây dựng thương hiệu lớn ở TP. Hồ Chí Minh như: Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai...
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Đến nay, doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đầu tư tại Gia Lai tuy đông về số lượng (26 doanh nghiệp) song lại ít về số vốn (hơn 6,3 ngàn tỷ đồng); ngược lại, 3 doanh nghiệp ở Gia Lai đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh tổng vốn gần 30 ngàn tỷ đồng. Đấy là chưa kể nguồn đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn cá nhân mua nhà, đất; chất xám và nguồn nhân lực trẻ từ Gia Lai chảy vào TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai tại TP. Pleiku hôm nay (28-5) dự kiến có hơn 21.000 tỷ đồng sẽ ký cam kết ghi nhớ và trao quyết định đầu tư vào Gia Lai. Theo đó, có 10 dự án với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng được trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư; còn lại 11 nhà đầu tư với số vốn 16.100 tỷ đồng ký cam kết đầu tư. Trong số này, có nhiều dự án của doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước; trong khi đó, Gia Lai là tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng còn nhiều hạn chế. Gia Lai rất cần sự chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông-lâm sản... của các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác đầu tư với 38 tỉnh, thành cả nước, trong đó Gia Lai là tỉnh hợp tác khá sớm. Tuy nhiên, hợp tác, đầu tư từ đô thị lớn nhất nước vào địa phương vùng sâu như Gia Lai vẫn chưa ngang tầm với sự quan tâm và kỳ vọng của hai bên.

Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, nếu 15 năm qua, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh ra Gia Lai có nguồn vốn khá nhỏ thì thời gian tới có nhiều tín hiệu rất khả quan. Tập đoàn Thành Thành Công sau khi làm ăn hiệu quả ở mảng đầu tư tài chính vào Công ty Điện Gia Lai, Công ty Mía đường Ayun Pa, hiện nay đang khảo sát lập dự án đầu tư năng lượng mặt trời ở Krông Pa, công suất 49 MW, tổng vốn hơn 1.300 tỷ đồng. Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng khảo sát vị trí dự kiến xây dựng phân hiệu và cam kết xây dựng ngôi trường đại học đẳng cấp quốc gia tại đây. Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh sau nhiều năm mở phân hiệu nhờ cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai giờ đang xây dựng cho mình cơ ngơi riêng với vốn ban đầu hơn 200 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đầu tư về chăn nuôi, trồng, chế biến trái cây cũng đang đầu tư vào nhiều huyện, thị, thành phố của Gia Lai.

Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội đầu tư tại 2 địa phương. Dòng chảy đầu tư từ Gia Lai vào TP. Hồ Chí Minh là hết sức tự nhiên bởi quy luật kinh tế thị trường. Sức hút của “hòn ngọc Viễn Đông”-đầu tàu kinh tế cả nước là rất lớn. Ngược lại, sự đầu tư của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh ra tỉnh nghèo Gia Lai rất cần sự quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư... Gia Lai không có cơ hội cạnh tranh ngang bằng với nhiều địa phương khác, do đặc thù về địa lý, tự nhiên và dân cư. Song, sự ổn định, giàu mạnh của Gia Lai sẽ góp phần lớn vào sự ổn định, giàu mạnh của TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương khác. Vì thế, sự quan tâm, hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp, địa phương trong cả nước nói chung, của TP. Hồ Chí Minh nói riêng vào Gia Lai còn là tình cảm, trách nhiệm.

Xét cho cùng các doanh nghiệp đầu tư là dựa trên nền tảng lợi nhuận cao hay thấp, nhanh thu hồi vốn hay chậm. Với thời đại khoa học công nghệ 4.0 hiện nay, tìm kiếm lợi nhuận cao, nhanh chóng nhờ khoa học-kỹ thuật đang là vấn đề bức thiết. Tỉnh Gia Lai ở xa các trung tâm khoa học-công nghệ của cả nước, của thế giới, trình độ dân trí còn thấp, vì thế rất cần sự quan tâm hỗ trợ khoa học công nghệ cao từ TP. Hồ Chí Minh. Đây là lĩnh vực mà lâu nay chưa có những việc làm cụ thể, thiết thực như sự quan tâm, mong mỏi, kỳ vọng của lãnh đạo của 2 địa phương. Vì thế, hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, ngoài đầu tư vốn, nâng cao nguồn nhân lực thì những giải pháp chuyển giao khoa học công nghệ kịp thời từ TP. Hồ Chí Minh cho Gia Lai sẽ giúp tỉnh nhà phát huy lợi thế, tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn, để sớm bắt kịp với nhiều địa phương khác trong nước.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.