Vỡ nợ hay mưu đồ lừa đảo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai xảy ra không ít vụ vỡ nợ, khiến nhiều người “méo mặt”, chủ yếu là nông dân. Mới đây nhất, như Báo Gia Lai phản ánh, ngày 12-3, hàng chục người vây kín Công ty TNHH một thành viên Hoàng Sang (huyện Ia Grai) khi nghe tin chủ Công ty này “biến mất”.

Tháng trước, một số hộ dân ở xã Hải Yang (huyện Đak Đoa) cũng rơi vào tình cảnh điêu đứng khi nghe tin cơ sở thu mua, ký gửi nông sản của ông Phạm Quốc Trung (SN 1973, trú tại thôn 1, xã Hải Yang) mất khả năng thanh toán. Gần 1 năm trước, tháng 4-2017, doanh nghiệp Sáu Đào ở huyện Chư Sê đang ăn nên làm ra bỗng dưng tuyên bố vỡ nợ nhiều chục tỷ đồng khiến sau một đêm hàng trăm hộ nông dân ký gửi nông sản, công sức lao động cả đời mất sạch.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Dẫn ra vài vụ gần đây để thấy rằng các địa chỉ “vỡ nợ” hầu hết là cơ sở thu mua nông sản: cà phê, hồ tiêu, điều...; đối tượng bị chiếm đoạt tiền chủ yếu là nông dân. Cơ sở nào vỡ nợ, số tiền người dân bị “bốc hơi” cũng lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người cho rằng, số người dân kê khai, doanh nghiệp xác nhận thường không đầy đủ, bởi có người bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền, song không dám nói, sợ ngân hàng tịch biên tài sản, con nợ xâu xé, thôi đành ngậm đắng nuốt cay, đường nào cũng đã mất của, im lặng làm ăn lo trả nợ.

Vì sao mấy chục năm qua gần như năm nào Gia Lai cũng xuất hiện cơ sở thu mua nông sản vỡ nợ. Giá nông sản tăng cũng vỡ nợ, giá xuống cũng tuyên bố vỡ nợ. Nếu kinh doanh nông sản rủi ro như thế sao nhiều người lao vào, không ít người giàu lên?

Cho đến nay hoạt động thu mua nông sản ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, một phần rất lớn do các hộ cá thể thực hiện. Cà phê, hồ tiêu đều là những thứ cồng kềnh, cần kho bãi rộng lớn bảo quản, song nông dân không đủ kho trữ nên thu hoạch đến đâu giao cho cơ sở thu mua đến đó. Các điểm thu mua nông sản trước khi vỡ nợ đã gắn bó vùng đất này nhiều năm, tạo được niềm tin, uy tín trong dân. Nông dân chân lấm tay bùn, thật thà chất phác, ký gửi nông sản thường chỉ nhận lại mảnh giấy viết tay, ghi số hàng đã nộp. Giá cả không thành vấn đề, chờ lúc cần tiền, mang số lượng hàng đã ký gửi ra đại lý “cắt giá”. Lượng nông sản còn lại tiếp tục gửi đó, ngày đẹp trời giá cao “cắt” tiếp. Có khi ký gửi vài ba năm mới chốt giá bán. Hoạt động kinh doanh này gây rủi ro cho cả 2 phía, cả người mua lẫn người bán. Cơ sở thu mua cũng không đủ kho bãi nên hoặc bán lại ngay, giá cả tùy theo ngày, hoặc ký gửi lần 2 như nông dân cho doanh nghiệp khác. Giá nông sản tăng giảm thất thường, khi dân ồ ạt “cắt giá”, các cơ sở thu mua khó có điều kiện xoay xở dòng tiền, dẫn đến hoặc bị thua lỗ, nợ người dân, hoặc xót của không chịu trả.

Về phía người nông dân, chỉ giữ mảnh giấy khi ký gửi nông sản cho đại lý, hoặc ký vào sổ giao hàng do bên bán giữ, không có thứ giấy tờ hợp pháp gì, nên khi có rủi ro, cơ sở pháp lý yếu, khó thắng trong các tranh chấp dân sự. Sự am hiểu về luật pháp của nông dân đa số còn hạn chế, đây là lý do khiến khi bị đại lý giật nợ phần thua thiệt thường rơi vào dân; chỉ đại lý giật nợ dân, mấy khi nông dân ứng tiền đại lý rồi bỏ trốn.

Làm sao để nông dân hạn chế thiệt hại khi mua bán, ký gửi nông sản? Có lẽ người dân cần tỉnh ngộ khi gửi niềm tin cho cơ sở mua bán nông sản, bởi thường trực nguy cơ một đêm trắng tay. Nên hiểu rằng đồng tiền ở trong túi mình mới là của mình, ham một chút lời, gửi hàng chờ thời, đợi giá cao chốt bán thì nguy cơ vỡ nợ, mất tài sản là đương nhiên. Cơ sở thu mua nông sản có thể đã bán nó giá thấp, đến khi nông dân yêu cầu trả tiền giá cao, lấy đâu ra phần lợi nhuận ấy trả cho nông dân? Đến lúc họ buộc phải lừa đảo một bộ phận người này để bù lại phần hao hụt, thua lỗ đã trả cho người khác. Vì vậy, mỗi người dân phải là một khách hàng thông minh khi quyết định trao thành quả lao động của mình vào tay ai, và nhận lại giá trị công sức ấy thế nào.

Các cơ sở thu mua nông sản thời gian qua vỡ nợ hay mưu đồ lừa đảo? Câu trả lời chỉ người trong cuộc mới rõ. Ở Gia Lai, không ít người vay mượn, nhận ký gửi rồi bảo mất khả năng thanh toán, bỏ trốn khỏi địa phương một thời gian, nhiều năm sau thành “đại gia” trở về. Có người “vỡ nợ” ở Gia Lai nhưng đi nơi khác giàu có bất thường. Vỡ hụi, vỡ nợ, những điệp khúc lặp đi lặp lại, đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Một điều cũng cần suy nghĩ là vì sao các đại lý thu mua nông sản ở các tỉnh lân cận như: Kon Tum, Đak Nông, Đak Lak... ít có trường hợp vỡ nợ, chỉ Gia Lai là thường xuyên vỡ hụi, vỡ nợ? Tấm gương của những người “sống khỏe” sau khi vỡ hụi, vỡ nợ có lẽ đã kích thích không ít người đang và sẽ đi theo con đường tuyên bố vỡ nợ, không phải “được hùa thua nhảy” mà đôi khi thắng cũng ôm tiền cao chạy xa bay.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm