Tâm và tầm của nhà quy hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quyết định chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy thép gây ô nhiễm của UBND TP. Đà Nẵng mới đây đang để lại nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy cho rằng bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân là chính đáng, nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn khi chỉ vì sự thiếu nhất quán trong quy hoạch phát triển của chính quyền địa phương mà doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Vụ việc của Đà Nẵng đã gợi lên vấn đề rất đáng quan tâm của nhiều địa phương khác. Đó là tâm và tầm của các nhà quy hoạch.

Chuyện bắt đầu từ những phản ứng của người dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) trước những cam kết mà chính quyền thành phố và các nhà máy thép đã hứa với họ. Đó là di dời dân đến nơi ở mới hoặc di dời nhà máy thép đi nơi khác để chấm dứt ảnh hưởng của khói bụi từ hoạt động sản xuất của 2 nhà máy thép gây ra cho cuộc sống của họ. Đây không phải lần đầu những kiến nghị này được người dân phản ánh. Chỉ có điều là lần này họ làm quyết liệt hơn, bằng cách dựng bạt cắm lều, tụ tập đông người ngăn cản không cho nhà máy sản xuất, tạo sức ép để TP. Đà Nẵng đưa ra một cách giải quyết dứt khoát, rõ ràng mà thôi. Sau mấy ngày đối thoại với dân bất thành, cuối cùng chính quyền TP. Đà Nẵng buộc phải quyết định đóng cửa 2 nhà máy thép này từ ngày 2-3.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Đây là một quyết định được báo chí miêu tả là rất “đột ngột”! Tuy nhiên, người dân Hòa Liên chắc sẽ không thấy “đột ngột” vì việc đóng cửa nhà máy chính là mục đích cuối cùng mà họ đã quyết tâm đấu tranh cho bằng được, khi dựng lều cắm chốt trước cổng 2 nhà máy này. Nhưng người thân, hàng xóm của họ-những cặp vợ chồng trẻ-vốn là nông dân mất đất được tuyển vào làm công nhân nhà máy thép thì đúng là “đột ngột” thật sự. Bởi lẽ, chỉ sau một quyết định của chính quyền thành phố, họ bỗng nhiên thành người thất nghiệp. Hàng trăm gia đình công nhân phải đối mặt với khó khăn khi bất ngờ mất việc làm!  

Còn chủ doanh nghiệp làm thép thì không chỉ thấy “đột ngột” mà là đổ gục! Nhìn bà chủ nhà máy thép khóc nức nở khi nghe thông báo đóng cửa nhà máy của thành phố thì biết, quyết định này đã tác động như thế nào đến sự nghiệp của họ. Lỡ tin vào chủ trương của thành phố, bỏ vốn hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà máy, giờ phải đóng cửa, doanh nghiệp phải chấp nhận trắng tay vì những chính sách không nhất quán của chính quyền địa phương. Hay nói chính xác là hậu quả của cách quy hoạch phát triển thiếu tầm nhìn chiến lược của thành phố này.

15 năm trước, TP. Đà Nẵng chủ trương mở rộng Khu Công nghiệp Hòa Khánh để đưa toàn bộ các nhà máy sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm vào đây, đồng thời tiến hành quy hoạch dân cư khu vực lân cận với kỳ vọng vừa phát triển được công nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân. Thế nhưng, câu chuyện người dân khiếu kiện, phản đối, dẫn đến quyết định đóng cửa 2 nhà máy thép cho thấy các nhà làm quy hoạch ở một thành phố được cho là năng động nhất miền Trung này, cũng chỉ mới dừng lại ở tầm “nóng đâu phủi đó” mà thôi!

Vì quy hoạch ngắn hạn nên vừa vận hành chưa được bao lâu, TP. Đà Nẵng đã phải lo giải quyết hậu quả ô nhiễm do hoạt động sản xuất của các nhà máy trong khu công nghiệp gây ra cho cuộc sống người dân xung quanh. Những lời hứa hẹn về chủ trương di dời dân, sắp xếp lại dân cư, rồi giờ lại không di dời nữa mà là đóng cửa nhà máy, cho thấy sự lúng túng của chính quyền Đà Nẵng trong chủ trương xây dựng thành phố môi trường, thành phố đáng sống. Hậu quả là không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của người dân sống cạnh nhà máy mà còn gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

Dừng hoạt động 2 nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường là thái độ dứt khoát nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển bền vững của thành phố trong tương lai, nhất là khi Đà Nẵng luôn được cả nước nhìn vào và kỳ vọng là hình mẫu về một thành phố sạch, thành phố đáng sống. Thế nhưng, chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn của các nhà quy hoạch mà cả doanh nghiệp, người dân và Nhà nước đều phải gánh chịu hậu quả.

Điều đó cho thấy không chỉ Đà Nẵng, mà bất kỳ tỉnh, thành nào, muốn phát triển bền vững thì công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Muốn vậy, cần thiết phải có những nhà quy hoạch tốt, đủ TÂM, đủ TẦM, từ đó mà có những hoạch định đường hướng phát triển lâu dài; chứ không phải cứ “nóng đâu phủi đó” để vạ cho dân.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.