Quản lý bảo vệ rừng gắn với tâm linh, tín ngưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sống gắn bó với rừng, dựa vào rừng để mưu sinh, người Jrai ở 2 làng De Chí và O Rang (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, Gia Lai) quyết tâm bảo vệ rừng và tiến hành nghi lễ cúng rừng thiêng để nâng cao ý thức của người dân về cây rừng. Đây được xem là mô hình quản lý bảo vệ rừng gắn với tâm linh, tín ngưỡng nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và nhân dân để giữ rừng bền vững.

Ảnh: Ngọc Sang
Già làng Puih Long chủ trì lễ cúng thần rừng. Ảnh: Ngọc Sang

Vài năm gần đây, sau khi ăn Tết Nguyên đán xong, người dân 2 làng De Chí và O Rang (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) lại chuẩn bị đồ lễ là một ghè rượu cần và con gà mang vào cửa rừng để cúng tạ ơn Thần rừng, mong muốn Thần rừng phù hộ cho bà con sức khỏe, có cuộc sống ấm no, ổn định và người dân cũng hứa một lòng bảo vệ rừng. Lễ cúng Thần rừng với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo và nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai. Thay mặt dân làng, già làng Puih Long (làng De Chí) chủ trì lễ cúng tạ ơn Thần rừng. Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng tại gốc của một cây to trong rừng. Già làng Puih Long cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, lễ cúng Thần rừng còn là dịp giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên xung quanh con người. Bên cạnh đó, sau buổi cúng, các thành viên trong làng thường ngồi lại cùng ăn uống và trò chuyện, trao đổi về cuộc sống, kinh nghiệm trong sản xuất... tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên với cộng đồng. Già làng Puih Long, cho biết: “Từ bao đời nay, dân làng sống phụ thuộc vào rừng từ que củi, giọt nước, củ khoai, củ sắn... Nay dân làng tổ chức lễ cúng Thần rừng để tạ ơn đã bảo vệ dân làng, cầu mong cho dân làng có một mùa lúa mới mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, no đủ. Thông qua lễ cúng, nhân dân trong làng chúng tôi quyết tâm bảo vệ rừng tốt hơn”.

Xuất phát từ ý thức tự phát và từ sự nhận biết giá trị của rừng nên nhiều năm nay dân làng De Chí và O Rang đều tổ chức lễ cúng Thần rừng vào đầu năm mới theo phong tục tập quán của đồng bào Jrai như một lời hứa, lời cam kết và tạ ơn Thần rừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm giữ rừng. Không chỉ nhận thức mà người dân 2 làng De Chí và Orang nói riêng và người dân ở xã Ia Pếch nói chung có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực để chung tay giữ rừng như thường xuyên phối hợp cùng Tổ quản lý và bảo vệ rừng của xã và Hạt Kiểm lâm huyện để giữ rừng. Nếu người nào trong làng xâm hại đến rừng sẽ bị cộng đồng kiểm điểm nghiêm khắc. Bên cạnh đó, mọi vấn đề của người dân liên quan đến rừng đều được báo cáo xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện. Chính vì vậy nên mặc dù nằm sát với khu sản xuất và khu dân cư nhưng rừng và cảnh quan thiên nhiên ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt. Bà Phạm Thị Kim Tuyến-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pếch, cho biết: Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã được chính quyền và người dân chung tay bảo vệ rất tốt, không xảy ra tình trạng phá rừng và đốt phát rừng làm nương rẫy. Hiện toàn xã quản lý hơn 870 ha đất quy hoạch phát triển rừng (trong đó 609 ha đất có rừng và còn lại là đất trống quy hoạch phát triển rừng) và chủ yếu tập trung giáp với 2 làng De Chí và O Rang. Để làm được điều đó cần phải nói đến đó là ý thức quản lý bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn xã rất tốt, nhất là người dân 2 làng De Chí và O Rang. Đây là 2 làng sống gần rừng Ia Pếch và người dân một lòng giữ rừng.

Điều thuận lợi trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã là có được nguồn kinh phí từ quỹ dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn kinh phí đó xã đã thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng với 15 thành viên và chi hỗ trợ cho mỗi thành viên đi tuần tra rừng 200 ngàn đồng/ngày. Tổ quản lý và bảo vệ rừng hoạt động theo hình thức thường xuyên thay ca nhau đi tuần tra trong rừng mỗi ngày từ 2-3 thành viên, đặc biệt những thời điểm lễ, Tết tổ sẽ tăng cường tuần tra 5-7 thành viên/ngày. Ngoài ra, tổ quản lý bảo vệ rừng cũng thường xuyên xuống các thôn làng tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của việc giữ rừng, bảo bệ tài nguyên rừng. Anh Rơ Mah Roi-thành viên tổ quản lý và bảo vệ rừng xã Ia Pếch, cho biết: Công việc tuần tra quản lý bảo vệ rừng của các thành viên trong tổ rất vất vả, kinh phí hỗ trợ còn hạn chế nhưng anh em luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để rừng không bị tàn phá.

Ảnh: Ngọc Sang
Kiểm lâm và các thành viên tổ quản lý và bảo vệ rừng triển khai phương án tuần tra. Ảnh: Ngọc Sang



Trao đổi với P.V, ông Lâm Văn Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, cho biết: Trước đây việc xâm hại đến rừng, du canh du cư ở xã Ia Pếch diễn biến phức tạp. Qua quá trình tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng và chính quyền địa phương nên người dân ở đây đã nhận thức tốt về giá trị của rừng, vì vậy bà con chung tay bảo vệ rừng rất hiệu quả. Mô hình quản lý, bảo vệ rừng gắn với tâm linh tạ ơn rừng ở một xã có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số rất cần được nhân rộng bởi nó tạo ra sự gắn kết và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ rừng. Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương cùng người dân hưởng ứng tích cực trong việc giữ rừng thì ở đó công tác quản lý, bảo vệ rừng rất tốt.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.