CPTPP và cơ hội cho Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 8-3 (sáng sớm 9-3 giờ Việt Nam), tại thủ đô Santiago, Chile, 11 nước gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP). Các nước thành viên CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD, bao trùm thị trường gần 500 triệu người. CPTPP là tiếp nối của Hiệp định TPP do quyết định rút lui của Tổng thống Trump vào ngày 23-1-2017, hiệp định vốn do Mỹ đồng sáng kiến, ròng rã 10 năm đàm phán.

CPTPP là hiệp định thương mại mậu dịch tự do lớn nhất trong vòng 25 năm qua. Nó ra đời giữa lúc chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ quay trở lại với nhiều nước trên thế giới nên có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó khẳng định xu hướng hợp tác, hội nhập của các quốc gia, dân tộc là không thể đảo ngược. Bên cạnh 11 nước thành viên sáng lập, CPTPP đang được 5 quốc gia khác xin tham gia. Gần đây nhất, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ muốn đàm phán trở lại CPTPP.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Có 2 vấn đề cốt lõi khi Việt Nam tham gia CPTPP là mở cửa thị trường và cải cách thể chế phù hợp với “sân chơi” các nước thành viên. Trong vòng 7-10 năm tới, thuế hàng hóa của nước thành viên sẽ về mức 0%; việc mua sắm của Chính phủ, các nghiệp đoàn lao động... cũng sẽ theo thông lệ chung. Tham gia tổ chức này, Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi ích, nhờ sự chuyển giao khoa học-công nghệ, xuất khẩu hàng hóa giá rẻ như: dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp, đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài... Với dân số trên dưới 100 triệu người, tinh thần lao động sáng tạo, Việt Nam hy vọng sẽ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 30 năm nữa.

Tất nhiên bên cạnh thời cơ lớn thì thách thức cũng không nhỏ đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Nếu cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, doanh nghiệp không ý thức đổi mới, hội nhập thì tác hại của toàn cầu hóa cũng nhãn tiền. Nguy cơ chỉ là lao động làm thuê giá rẻ, tập trung vào “ngành nghề cơ bắp”, độc hại, nguy hiểm, đất nước thành bãi thải công nghiệp... là bài toán nan giải khi hội nhập.

Gia Lai đất rộng, điều kiện thiên nhiên ưu đãi so với nhiều nơi khác trong nước. Hiệp định CPTPP mở ra cho tỉnh ta cơ hội đầu tư, phát triển nông-lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, cũng như tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng xã hội minh bạch, liêm chính, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Cho đến nay, sản xuất nông nghiệp của Gia Lai vẫn ở trình độ rất thấp so với trong nước đừng nói gì đến quốc tế; sản xuất lệ thuộc nhiều vào tự nhiên, diện tích được áp dụng khoa học công nghệ để làm chủ quy trình canh tác còn rất ít. Lợi nhuận trên một đơn vị diện tích quá thấp bởi các loại cây trồng như: mì, mía, cao su, hồ tiêu... chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất nông nghiệp, giá bấp bênh, lợi nhuận bèo bọt. Ngành lâm nghiệp trồng và chế biến đồ gỗ vừa phục hồi vài năm lại đây, chưa có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều kiện hạ tầng, dân trí còn thấp cũng là những thứ bất lợi để Gia Lai hội nhập phát triển.

CPTPP là cơ hội, cũng là thách thức cho Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng. Làm thế nào để hạn chế thách thức, phát huy thời cơ, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển là nhu cầu tất yếu đặt ra cho tất cả các thành viên CPTPP và cho tỉnh nhà. Muốn thế phải chủ động nghiên cứu, tìm kiếm lợi thế, cơ hội; chủ động khắc phục những yếu kém, đổi mới kịp thời sản xuất đối với từng loại cây trồng, vật nuôi, chế biến sản phẩm và thị trường xuất khẩu.

Kinh nghiệm từ việc gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (viết tắt là AFTA) trong năm 2018 đối với ngành chế biến mía đường là bài học cay đắng với nhiều người trồng mía ở Gia Lai. Mía đường liên quan đến hàng vạn hộ nông dân tỉnh nhà, sẽ thế nào trong tương lai là điều không ai dám nói trước. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, so với trước khi AFTA có hiệu lực, lợi nhuận của người trồng mía và nhà máy chế biến đường cao hơn rất nhiều so với trước khi gia nhập. Ngành mía đường rồi đây phải cơ cấu lại vùng nguyên liệu, tăng năng suất, chất lượng và sự phục vụ mới hy vọng tồn tại.

CPTPP mở ra cơ hội máy móc thiết bị giá rẻ và thị trường hàng hóa rộng mở cho các sản phẩm thế mạnh của Gia Lai vào thị trường 500 triệu dân, mà rất nhiều nước lâu nay chưa có quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tìm đến tỉnh ta để đầu tư, thu mua nguyên liệu, chế biến sâu và xuất khẩu. Làm thế nào để đón làn sóng đầu tư mới vào Gia Lai, tạo sức bật cho nền kinh tế là điều mà các nhà quản lý cũng như mỗi doanh nghiệp cần hành động mau chóng. Nếu không tận dụng cơ hội, thời cơ trôi đi thì thách thức sẽ đến; sự tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực và cả nước sẽ ngày càng nới rộng.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Tổng kết, sơ kết các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quân đội

Quân đoàn 3: Tổng kết, sơ kết các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quân đội

(GLO)-

Ngày 15-3, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI; sơ kết 3 năm việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII và 2 năm thực hiện Nghị quyết 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương.