Chủ động phòng-chống dịch cúm gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, tại TP. Hải Phòng đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6. Còn tại một số quốc gia lân cận như Trung Quốc, Campuchia... đã có các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N6, A/H5N8.  Vì vậy, tỉnh ta đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế việc xâm nhập dịch bệnh và phát sinh ổ dịch trên địa bàn.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 1-2018, các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N6, A/H5N8 đã phát sinh tại nhiều quốc gia, đặc biệt là dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Campuchia và cúm A/H5N6 tại Trung Quốc. Tại nước ta, hiện vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H5N9 trên người, nhưng vi rút cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 vẫn tồn tại, lưu hành trên đàn gia cầm và trong môi trường (trong năm 2017 có khoảng 1,75% mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 và 0,91% mẫu dương tính với cúm A/H5N6). Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 2-2018, tại TP. Hải Phòng đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6.

 

Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Chư Ngọc tổ chức trực kiểm dịch động vật vận chuyển vào tỉnh.   Ảnh: L.N
Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Chư Ngọc tổ chức trực kiểm dịch động vật vận chuyển vào tỉnh. Ảnh: L.N

Để chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan vào địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm đến tận thôn, làng, tổ dân phố (đặc biệt cần tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, vùng biên giới giáp Campuchia) và nghiêm cấm việc giấu dịch. Tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng trong cộng đồng về tác hại và sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi bị mắc bệnh cúm; vận động người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; rà soát, quy hoạch cụ thể khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống; triển khai Tháng Vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt I năm 2018…

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng-chống dịch bệnh trên gia cầm. Ông Nguyễn Công Trình-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chư Pưh, cho biết: “Chư Pưh là địa phương giáp với tỉnh Đak Lak song việc vận chuyển gia cầm từ Đak Lak vào tỉnh rất ít và đều đã được ngành chức năng của tỉnh Đak Lak kiểm dịch. Hiện UBND huyện đã phân công 9 cán bộ nông nghiệp xuống các xã, thị trấn để kiểm tra tình hình và đôn đốc, nhắc nhở các địa phương triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, chúng tôi phân công cán bộ phụ trách địa bàn, đặc biệt là đối với xã Ia Le và Ia Blứ (giáp với tỉnh Đak Lak); đồng thời hợp đồng với 2 cán bộ thú y xã để tổ chức giám sát tình hình buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Chúng tôi đã cấp 128 lít hóa chất Benkocid để các địa phương tổ chức phun tiêu độc, khử trùng”.

Tương tự, tại huyện Ia Grai, ông Nguyễn Đăng Giàu-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, cho biết: “Để chủ động phòng-chống dịch cúm trên đàn gia cầm, chúng tôi đã cho rà soát các điểm chăn nuôi và các ổ dịch cũ. Tại các xã biên giới, người dân chủ yếu qua lại thăm thân chứ không có giao dịch mua bán nên chúng tôi chỉ hướng dẫn người dân phun tiêu độc, khử trùng và vệ sinh khu vực chăn nuôi. Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã cấp 88 lít hóa chất Benkocid để các địa phương tổ chức phun tiêu độc, khử trùng. Đồng thời, triển khai Tháng Vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, dọn vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, sau đó phun tiêu độc bằng hóa chất 1 tuần/lần, tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các chợ, khu vực giết mổ gia cầm...”.

Theo ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra dịch bệnh. “Tuy nhiên, để hạn chế các ổ dịch cúm gia cầm có thể phát sinh và ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác vào địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố và Trạm Kiểm dịch động vật Song An, Chư Ngọc triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động phòng-chống dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra các địa điểm buôn bán, tập kết gia cầm sống, các chợ buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không đúng nơi quy định và xử lý kịp thời hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và thường xuyên tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm. Tuyên truyền, phổ biến sự nguy hại của dịch cúm gia cầm và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng-chống dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh”-ông Thanh cho biết thêm.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.