Bài học từ vụ Tướng Công an bị bắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dư luận lại được một phen bàng hoàng khi một Thiếu tướng Công an phải tra tay vào còng vì bảo kê cho đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Từ một người có nhiều công trạng, phá được nhiều vụ án lớn, đưa ra ánh sáng nhiều đối tượng tội phạm công nghệ cao, ông ta đã quỵ ngã ngay trên lĩnh vực mình phụ trách. Từ chỗ là người gác cổng giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân quét sạch những loại tội phạm, rác rưởi trên môi trường mạng, ông đã trở thành người tiếp tay cho tội phạm công nghệ hoành hành.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong ngày ông Nguyễn Thanh Hóa bị khởi tố, Ban Bí thư dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã họp để nghe Đảng ủy Công an Trung ương và các cơ quan chức năng báo cáo kết quả điều tra vụ án. Bởi lẽ, “đây là một vụ án có quy mô đặc biệt lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, cần thiết phải tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý đúng người, đúng vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước”.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Thực ra thì từ cuối năm 2017, dư luận đã xôn xao thông tin về một số vụ án đánh bạc lớn đang được ngành Công an điều tra. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Ông Nguyễn Thanh Hóa-nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (C50-Bộ Công an) đã phải tra tay vào còng số 8 vì bị cho là đã bảo kê cho đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền thu lợi bất chính lên đến gần 2.800 tỷ đồng.

Lần giở lại hồ sơ, trước khi bị bắt, ông Nguyễn Thanh Hóa là một cán bộ được đào tạo bài bản, được rèn luyện, thử thách qua nhiều cương vị công tác trong ngành Công an, được phong hàm Thiếu tướng vì có nhiều thành tích trong đấu tranh trấn áp tội phạm. C50 dưới bàn tay dẫn dắt của ông đã lập nhiều kỳ tích khi phá nhiều vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao.

Từ một chiến sĩ Công an, để được khoác lên mình bộ quân phục gắn quân hàm Thiếu tướng là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của cá nhân và kết quả đào tạo, rèn giũa của cơ quan, tập thể, là sự kiên định mục tiêu lý tưởng phấn đấu của một đảng viên. Những tưởng với thành tích ấy, trên cương vị ấy, ông sẽ giữ trọn lời thề “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, làm rạng danh hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân. Thế mà ông đã sa cơ, tay ông đã nhúng chàm. Từ vị trí người tấn công trấn áp tội phạm, ông Nguyễn Thanh Hóa đã bị chính tội phạm quật ngã.   

Quan chức thoái hóa biến chất trở thành tội phạm, xưa nay thời nào cũng có, chế độ nào cũng có. Nhưng sự sa ngã của một vị tướng Công an vì hành vi bảo kê cờ bạc thì thật lạ. Đó không phải là hậu quả của sự phai nhạt lý tưởng, mờ mắt trước tiền tài vật chất, ích kỷ, thực dụng thì là gì!

Hơn 60 năm trước, trong niềm vui chiến thắng, về tiếp quản thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ, phải lo giữ mình để không bị sa ngã trước những cám dỗ do thay đổi cuộc sống từ chiến khu kháng chiến về thành thị sống trong hòa bình. “Điều Bác muốn dặn các chú là phải đề phòng “đạn bọc đường”. Loại đạn này, lúc đầu ai bị bắn, dù có trúng cũng không biết đau, còn khen ngọt là khác, đến khi ngã ra có hối hận cũng đã muộn”.

Vượt thời gian, không gian, lời dạy ấy vẫn nguyên giá trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thư gửi đến Hội thảo quốc gia 70 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy tổ chức đầu tháng 3 vừa rồi đã nhắn nhủ: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải nêu cao dũng khí, giữ mình trong sạch, vững vàng, không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”, không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân”.

Tướng Nguyễn Thanh Hóa bị bắt đúng vào ngày ngành Công an kỷ niệm sự kiện 70 năm thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy chiến sĩ Công an, trong đó có lời dạy đầu tiên là “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm chính”.

Vì vậy, đây là nỗi đau, là bài học xương máu cho công tác giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ của riêng ngành Công an!

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.