Đằng sau chỉ số cảm nhận tham nhũng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với 35/100 điểm, tăng 2 điểm so với  năm 2016, Việt Nam được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng 107/180 quốc gia về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2017. Việc một tổ chức có uy tín đứng đầu thế giới công bố chỉ số xếp hạng này là sự ghi nhận những nỗ lực trong phòng-chống tham nhũng của Việt Nam đã bắt đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, thứ hạng 107/180 cũng cho thấy cuộc đấu tranh này vẫn còn đầy thách thức, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải quyết tâm hơn nữa trong cuộc chiến với “giặc nội xâm”.

Việc tăng nhẹ 2 điểm về chỉ số cảm nhận tham nhũng trong 2 năm liên tiếp (2016-2017) được cho là dấu hiệu tích cực đối với nỗ lực phòng-chống tham nhũng của Việt Nam. Tuy nhiên, số điểm 35/100 cho thấy chúng ta vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tham nhũng nghiêm trọng, nhất là tham nhũng trong khu vực công.

 

 

Điều đó hoàn toàn phù hợp với những nhận định của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thực trạng tham nhũng tại Việt Nam là: “Vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”.

Cứ theo biểu đồ xếp hạng của tổ chức này thì suốt 4 năm liền (2012-2015), chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam không hề nhúc nhích khỏi con số 31-nghĩa là hầu như cả nhiệm kỳ này, cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng mới chỉ dừng lại ở mức độ hô hào! Nó chỉ thực sự mang lại kết quả ban đầu vào cuối năm 2016 khi nhích lên được 2 điểm và tiếp tục nâng lên 2 điểm nữa, thành 35 điểm vào cuối năm 2017.

Điều đó là hoàn toàn phù hợp với thực tế khi trong năm qua, bằng cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng-chống tham nhũng của chúng ta đã đạt được một số kết quả nổi bật. Hàng loạt vụ án tham nhũng nghiêm trọng trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, xây dựng… liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao đã và đang được đưa ra xét xử. Ngọn lửa chống tham nhũng đã bùng cháy, nhiều con sâu tham nhũng lớn đã bị đưa vào lò thiêu, cho thấy cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” đã không còn vùng cấm. Không chỉ nêu cao quyết tâm chính trị, huy động sự ủng hộ của toàn dân cho cuộc đấu tranh đầy cam go này mà chúng ta cũng khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng-chống tham nhũng theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Bằng quyết tâm phòng-chống tham nhũng đến cùng, Đảng đã lấy lại lòng dân, đồng thời được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, thách thức của cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng vẫn còn rất lớn. 

Thực tế cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng lớn bị phát hiện, xét xử, hầu hết xảy ra ở khu vực công, với những cái bắt tay trong bóng tối của một số quan chức thoái hóa biến chất với lãnh đạo các doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng. Hay nói cách khác, doanh nghiệp là một “mắt xích kép” của tham nhũng. Họ vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Xã hội cho biết: Có đến 38% người dân Việt Nam khi được hỏi đã đánh giá rằng, lãnh đạo doanh nghiệp là một trong 3 nhóm đối tượng tham nhũng nhiều nhất.

Vì vậy, để có thể “giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng và hối lộ”, cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, củng cố và xây dựng thể chế một cách hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội. Mà căn bản là thúc đẩy tinh thần liêm chính, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, phù hợp với các thông lệ quốc tế; tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội trong phòng-chống tham nhũng.

Về phía Nhà nước, đó là sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử địa phương, cùng với tăng cường tính độc lập trong xét xử của các cơ quan tư pháp; mở rộng không gian xã hội dân sự, thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát hoạt động quản lý nhà nước, góp phần tích cực vào công tác phòng-chống tham nhũng, xây dựng một chính quyền trong sạch, hành động, vì dân! 

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.