Ia Grai: Phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Thời gian qua, Huyện ủy Ia Grai đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVII (nhiệm kỳ 2015-2020). Về vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông DƯƠNG MAH TIỆP-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

- P.V: Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVII, Ia Grai đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?

Ông DƯƠNG MAH TIỆP: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự giám sát của HĐND huyện, sự phối hợp của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, cùng sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 10,55%, quy mô nền kinh tế tăng 1,08 lần so với năm 2015, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Công tác quản lý chi ngân sách đảm bảo theo đúng quy định, thực hành tiết kiệm theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia thực hiện. Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã đã hoàn thành được 156 tiêu chí. Đến nay, ngoài xã Ia Sao đã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã Ia Yok và Ia Hrung cũng hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đang chờ cấp thẩm quyền công nhận đạt chuẩn.

Với đặc thù là huyện biên giới, gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và nền kinh tế chủ yếu  dựa vào nông nghiệp, trong gần nửa nhiệm kỳ qua, UBND huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Trong đó, tập trung triển khai các dự án, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất, nhất là với các loại cây trồng có thế mạnh như: cà phê, điều, cao su. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; triển khai đào tạo nghề về nông nghiệp; khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; triển khai xây dựng cánh đồng lớn nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

 

Đại biểu HĐND huyện biểu quyết các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội
Đại biểu HĐND huyện biểu quyết các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: T.N

Bên cạnh đó, các chính sách xã hội được chú trọng thực hiện. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 29 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,49%. Huyện đã tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, trang-thiết bị dạy và học, chất lượng đội ngũ giáo viên từng bước được nâng lên. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, đầu tư nâng cấp, đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

- P.V: Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương?

Ông DƯƠNG MAH TIỆP: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, bám sát nội dung chỉ tiêu nghị quyết, cũng như sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở. Chú trọng công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên UBND huyện, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác dân vận của các cấp, các ngành và các đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời đề xuất, xử lý hoặc phối hợp xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh và những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

 

Một góc trung tâm huyện Ia Grai. Ảnh: T.N
Một góc trung tâm huyện Ia Grai. Ảnh: T.N

Trong chỉ đạo phát triển kinh tế, huyện tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, điều kiện tự nhiên của địa phương; huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, đưa nền kinh tế của huyện tăng trưởng bền vững, bằng mức bình quân chung của tỉnh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chú trọng khai thác và phát huy các ngành công nghiệp có lợi thế như: khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản; phát huy tốt năng lực sản xuất của các nhà máy thủy điện...  Phát triển các ngành dịch vụ thương mại, vận tải, viễn thông, ngân hàng. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện về phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt dự án tái canh cà phê, dự án VnSAT, tưới tiết kiệm nước; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Tăng cường kiểm soát về giống cây trồng, vật tư phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đồng thời, huyện cũng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, giảm nghèo bền vững, tập trung giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu không còn hộ nghèo là gia đình chính sách. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.