Ban quản lý KKT Gia Lai: Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời tòa soạn: Được thành lập năm 2011 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn. Với phương châm: “Đoàn kết-Sáng tạo-Đồng hành-Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM VĂN BINH-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh xung quanh vấn đề này.
 

- P.V: Thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã có những giải pháp gì để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Trà Đa, thưa ông?

Ông PHẠM VĂN BINH: Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư được tỉnh tổ chức vào tháng 12-2016, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã phát động thi đua trong công chức, viên chức và người lao động với phương châm: “Đoàn kết-Sáng tạo-Đồng hành-Hỗ Trợ doanh nghiệp phát triển”. Nhiều giải pháp cũng đã được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư. Đó là rà soát, bổ sung quy trình đầu tư, kiện toàn tổ tư vấn, hỗ trợ đầu tư. Tổ tư vấn, hỗ trợ đầu tư hoạt động tích cực, hiệu quả, hỗ trợ tối đa các thủ tục cho nhà đầu tư từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đầu tư đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuê đất, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường… Theo đó, các thủ tục tại Ban Quản lý từng bước được công khai, minh bạch, xuyên suốt, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các nhà đầu tư tiếp cận, nắm thông tin và thực hiện.

Ban Quản lý đã xây dựng, ban hành quy trình ISO theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và được công khai minh bạch trên website của Ban Quản lý, tại bộ phận “một cửa”, trụ sở làm việc. Quy trình này đã được thực hiện một cách có hệ thống, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí; một số quy trình thủ tục hành chính đã được xem xét rút ngắn thời gian thụ lý, giải quyết so với quy định của pháp luật và kịp thời kiểm soát được những khâu chậm trễ, yếu kém để khắc phục… nên được hầu hết các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

- P.V: Ông có thể giới thiệu những kết quả cụ thể đã đạt được của Khu Công nghiệp Trà Đa thời gian qua?

Ông PHẠM VĂN BINH: Những giải pháp cụ thể, sự đồng hành và hỗ trợ nhiệt tình từ Ban Quản lý đã góp phần giúp các doanh nghiệp hoạt động tại Khu Công nghiệp Trà Đa có những bước tiến ổn định và thuận lợi trong hoạt động. Từ đầu năm đến nay, Khu Công nghiệp Trà Đa đã thu hút 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 502,9 tỷ đồng, hiện đã triển khai xây dựng với vốn thực hiện đạt 70,1 tỷ đồng. Đến nay, tại Khu Công nghiệp Trà Đa có 43 doanh nghiệp đầu tư 48 dự án với tổng vốn đăng ký 1.853 tỷ đồng.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Trà Đa chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa 9 tháng năm 2017 đạt 113,43 triệu USD, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu của tỉnh (416,32 triệu USD). Tổng doanh thu thuần 1.466 tỷ đồng (tăng 97% so với cùng kỳ năm 2016); giá trị sản xuất công nghiệp 1.732 tỷ đồng (tăng 81% so với cùng kỳ năm 2016) chiếm 21,8% giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh (7.937,5 tỷ đồng); doanh thu công nghiệp 674 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ năm 2016).

- P.V: Để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào Khu Công nghiệp Trà Đa, Ban Quản lý sẽ triển khai các giải pháp đột phá nào, thưa ông?

Ông PHẠM VĂN BINH: Thời gian đến, Ban Quản lý sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp không chỉ riêng đối với Khu Công nghiệp Trà Đa mà còn các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng thực thi đầy đủ các chính sách và pháp luật đầu tư do Trung ương quy định, nhất là chính sách về đất đai, đồng thời, xây dựng một số cơ chế, chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh đảm bảo tính khả thi cao, ổn định trong thời gian tương đối dài, tạo được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục rà soát, bổ sung, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư làm cơ sở cho việc vận động xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Các dự án này phải thống nhất cả về chủ trương và quy hoạch, phù hợp thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu hiện nay và sắp đến. Đẩy mạnh vận động và xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức hội thảo về đầu tư, hợp tác vận động xúc tiến đầu tư với các các tỉnh, thành phố... sử dụng tổng hợp các phương tiện xúc tiến đầu tư qua truyền thông, mạng internet, tiếp xúc trực tiếp. Đi đôi với việc thực thi chính sách khuyến khích đầu tư, Ban Quản lý sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, coi đây là khâu đột phá để tạo môi trường và tâm lý thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng sẽ xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả, thông qua việc thiết lập và xử lý có hiệu quả 4 mối quan hệ, đó là: mối quan hệ chấp hành tuyệt đối sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh và của Chủ tịch UBND tỉnh; mối quan hệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương; mối quan hệ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; mối quan hệ trong nội bộ công chức, viên chức của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Hà Duy (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm