Cần đồng thuận trong dạy 2 buổi/ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Báo Gia Lai đã nhận đơn có chữ ký của hàng trăm học sinh Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) phản ứng về việc nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh khối 12. Dư luận xôn xao, người ủng hộ, người phản đối việc dạy-học này. Mỗi bên đều có quan điểm lý lẽ riêng.
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Vài năm trở lại đây, Trường THPT Lê Lợi có kết quả thi tốt nghiệp và đại học sa sút, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT giảm, một số trường trên địa bàn TP. Pleiku đã “qua mặt” về thành tích. Có lẽ từ nguyên nhân này nên bắt đầu từ năm học 2017-2018, nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Để thực hiện việc này, lãnh đạo trường đã xin chủ trương Sở Giáo dục và Đào tạo, thuyết phục thầy-cô giáo đi dạy, soạn lại chương trình, lấy ý kiến phụ huynh... Xét cho cùng, việc dạy 2 buổi/ngày có thu thêm một khoản học phí của học sinh, song cũng không phải số tiền lớn đủ bù đắp công sức của thầy-cô giáo. Đấy là chưa so sánh với việc các em bỏ tiền bạc học thêm từng môn bên ngoài. Thực tâm, nỗ lực của nhà trường là muốn nâng cao kết quả học tập của học sinh khối 12, cố gắng của Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy-học hoặc giả cách thức dạy-học này khiến người học cảm thấy không thoải mái, có thể do không đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng học sinh. Các em học sinh đã học 5 tiết buổi sáng, đến chiều lại lên lớp ngồi 3 tiết nữa, tâm lý mệt mỏi, chán nản là dễ hiểu. Thứ hai là về chương trình, thay vì dạy trong 45 phút như các trường khác, thầy cô ở đây phải kéo dài lên gấp rưỡi (từ 5 tiết/ngày lên 8 tiết/ngày). Đối với một số học sinh đã học trước chương trình (học thêm dịp hè), giờ ngồi lại kéo dài thời gian vô bổ. Việc này chỉ phù hợp với học sinh yếu, kém và một số học sinh trung bình. Đối với học sinh khá, giỏi, việc kéo dài thời gian mỗi môn học không có ý nghĩa, mất thời gian vô ích.

Một lý do khác khiến học sinh và cả một số phụ huynh không cảm thấy yên tâm khi con học cả ngày là vì trường cấm các em không được học thêm ở nơi khác. Lớp 12 là năm cuối cấp, kết quả đậu đại học phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các em; trong khi học sinh các trường khác bù đầu, bù tai học hết cua này đến cua kia thì học sinh Trường THPT Lê Lợi học ở trường xong không được học thêm ở đâu. Liệu Ban Giám hiệu nhà trường có thể cam kết với phụ huynh rằng con em họ chỉ cần học bấy nhiêu đó là đủ đậu đại học? Nếu nhà trường đảm bảo với phụ huynh con em họ chỉ cần học 8 tiết/ngày tại trường là đậu tốt nghiệp và đại học, chắc chắn học sinh và phụ huynh sẽ ủng hộ tuyệt đối. Không cam kết được như vậy thì cần có cơ chế thoáng hơn! Học sinh cuối cấp rất cần phân loại, phân ban để bồi dưỡng chuyên sâu, định hướng nghề nghiệp tương lai. Ngoài nhiệm vụ chung là đảm bảo cho các em đỗ tốt nghiệp, đích đại học mới là tâm điểm của học sinh khối 12, chứ học kiểu đại trà sẽ khó hiệu quả.

Xung quanh lá đơn phản đối của học sinh có nhiều ý kiến nghi ngờ người đứng sau kích động, xúi giục các em. Bởi học ở trường sẽ ảnh hưởng đến học cua, học kèm, ảnh hưởng thu nhập của một số thầy cô dạy thêm như những năm trước. Khi Trường THPT Lê Lợi cho học sinh học 2 buổi, việc dạy thêm ở TP. Pleiku suy giảm nghiêm trọng nên chính giáo viên dạy thêm kích động học sinh...

Trước một sự việc, sự kiện có nhiều ý kiến khác nhau thì suy luận, quan điểm trái chiều là bình thường. Tuy nhiên, nhà trường cần trả lời thỏa đáng các câu hỏi, những tâm tư mà học sinh nêu ra, bởi mục đích dạy-học là cho các em, vì các em, khi nhiều em không nạp, phản đối thì cần xem lại. Cũng phải thấy rằng, chủ trương này của ngành Giáo dục và Đào tạo là không mới, đưa ra từ năm 2010, song rất ít trường trong tỉnh, trong nước hưởng ứng, thực hiện. Không đơn thuần là cơ sở vật chất ở trường khác kém hơn Trường THPT Lê Lợi. Theo tôi, có lẽ Ban Giám hiệu nhiều trường chưa trả lời thấu đáo nhiều câu hỏi đặt ra khi dạy 2 buổi/ngày.

Mục tiêu của lãnh đạo Trường THPT Lê Lợi đề ra là vì học sinh, song cách làm khiến nhiều em phản đối, dư luận xôn xao. Thiển nghĩ, nhà trường nên đối thoại với học sinh và phụ huynh một cách thẳng thắn; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em. Làm thế nào để nâng cao kết quả học tập chung của trường, đồng thời tạo tâm lý thoải mái cho các em theo học và được phụ huynh đồng thuận, hỗ trợ. Việc dạy 2 buổi/ngày chắc chắn có hiệu quả nếu bắt đầu từ học sinh lớp 10, tạo tâm lý, thói quen cho học sinh ngay từ đầu cấp.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm