Nhìn từ Pleiku: Yêu là không hối tiếc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 12-9, đọc những dòng tâm sự của thầy Nguyễn Duy Khánh (một giáo viên THPT ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) trên báo Tuổi Trẻ, tôi vừa khâm phục, vừa không khỏi xót xa.

Thầy Khánh kể, trường thầy có hơn 70 giáo viên thì có đến 60 người, kể cả Ban Giám hiệu, làm thêm “nghề tay trái” với đủ công việc như: bán nước mía, trứng vịt lộn, hoa tươi, mỹ phẩm, thu mua phế liệu, thậm chí đi phụ mổ heo để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Riêng thầy Khánh, dù có thâm niên 14 năm dạy học, vợ cũng là giáo viên nhưng từ 3 năm nay, thầy phải làm thêm nghề bán cá để “nuôi sống nghề chính và gia đình”. “Đời sống giáo viên chúng tôi cực khổ thật, nhưng khi được hỏi có bỏ nghề giáo để chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn, thì hầu như tất cả đều lắc đầu. Có lẽ cái nghiệp nó đã thấm vào thân rồi, khó bỏ lắm”-thầy Khánh tâm sự.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyện giáo viên phải bươn chải với “nghề tay trái” để lo cho bản thân và gia đình như thầy Khánh và đồng nghiệp có thể khiến ai đó ngỡ ngàng nhưng với đa số giáo viên hiện nay, đó không phải là điều lạ lẫm. Một người bạn của tôi dạy học ở ngoại thành Hà Nội kể, trong trường của cô, ngoài số giáo viên dạy Toán, tiếng Anh có thu nhập tương đối cao nhờ dạy thêm, số còn lại đều sống khá chật vật, nhất là những người mới ra trường và dạy những môn được gọi là “môn phụ”. Để sống được với đồng lương eo hẹp, ngoài giờ lên lớp, nhiều người phải tranh thủ làm thêm đủ thứ công việc không liên quan gì đến chuyên môn. Ngay ở Gia Lai, nhiều giáo viên tôi quen biết cũng phải làm thêm “nghề tay trái”, kể cả lao động chân tay như làm rẫy để trang trải cuộc sống vì theo họ, tiền lương chỉ đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của bản thân và gia đình.

Đồng lương eo hẹp, cộng với áp lực khá nặng nề của công việc khiến một số giáo viên không còn tâm huyết về nghề, thậm chí bỏ nghề đi làm việc khác như trường hợp cô giáo Tiểu học Hoàng Kim Anh ở Cao Bằng mới đây. Tuy nhiên, đa số giáo viên vẫn chấp nhận khó khăn, gian khổ để gắn bó với nghề, bởi đơn giản với họ, dạy học không chỉ là công việc để kiếm sống mà đó còn là tình yêu. Với nghề giáo, họ tìm thấy “ý nghĩa cuộc đời nằm trong cái giá trị truyền đạt kiến thức của nhân loại cho thế hệ mai sau”, như lời Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ với những sinh viên ngành Sư phạm của Đại học Huế đầu tháng 9 vừa rồi.

Nếu không phải vì tình yêu với nghề giáo, với học trò thì những người như cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy liệu có thể gắn bó gần 30 năm với ngôi trường Tiểu học Lại Sơn (xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang)? Liệu 44 thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An)-những người được trao giải Ấn tượng VTV năm 2017 ở hạng mục Nhân vật của năm, có thể vượt qua khó khăn trên vùng đất không đường ô tô, không điện, không sóng điện thoại… để miệt mài cắm bản gieo chữ? Liệu cô giáo Bùi Thị Yến (giáo viên điểm trường làng Đê Pơ Tưk, Trường Tiểu học Đak Jơ Ta, xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) cô ngày ngày đến tận nhà học sinh chở các em ra lớp suốt bao năm qua? Và còn biết bao thầy-cô giáo nữa, những người vẫn đang âm thầm, miệt mài đem ánh sáng tri thức đến với những em nhỏ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhan đề “Chuyện tình” của nhà văn Mỹ Erich Sagal viết năm 1970 có một câu được xem như tuyên ngôn bất hủ về tình yêu: “Yêu có nghĩa là không bao giờ nói hối tiếc”. Tôi tin rằng, những người yêu nghề như thầy Khánh, cô Thủy, cô Yến… sẽ không bao giờ hối tiếc về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Nhưng như thế không có nghĩa là họ không có quyền đòi hỏi những đền đáp xứng đáng với tình yêu và sự cống hiến, hy sinh của mình-ở đây là một mức lương đủ để họ sống được với nghề.

Vẫn biết việc cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên là điều không hề dễ dàng, nhưng không thể không làm. Phải cải cách để giáo viên đủ sống bằng lương, để họ yên tâm cống hiến cho nghề, để những học sinh không còn phải nhìn thấy cảnh thầy-cô giáo mình đi bán cá, bán trái cây, mổ heo… sau giờ lên lớp, để các thế hệ học sinh sau này khi chọn thi vào ngành Sư phạm không phải vì “chuột chạy cùng sào”…

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm