Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2017-2018.

Nhiệm vụ này cũng chính là đề án giáo dục quan trọng trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, từ năm học 2015-2016, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel-Chi nhánh Gia Lai triển khai hệ thống quản lý trường học SMAS tới một số trường THPT trong việc quản lý sổ điểm điện tử. Đến năm học 2016-2017, có 10% trường Tiểu học, 96% trường THCS và 100% trường THPT ứng dụng hệ thống này. Trong năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT sẽ triển khai hệ thống quản lý trường học SMAS cho tất cả các đơn vị trường từ giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên, nội dung triển khai quản lý toàn diện các hoạt động trong trường học như: quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử...

 

Năm học 2017-2018, bậc học Mầm non sẽ được triển khai hệ thống quản lý trường học trực tuyến.                                                                                                            Ảnh: N.G
Năm học 2017-2018, bậc học Mầm non sẽ được triển khai hệ thống quản lý trường học trực tuyến. Ảnh: N.G

Để thực hiện tốt nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, từ đầu tháng 8-2017, các Phòng GD-ĐT, các đơn vị trường học, trung tâm đã phối hợp với Chi nhánh Viettel ở các địa phương triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học sử dụng phần mềm, cũng như hỗ trợ nhập dữ liệu hồ sơ học sinh lần đầu cho các đơn vị giáo dục. “Thông tin, dữ liệu hệ thống quản lý trường học là cơ sở dữ liệu quan trọng của ngành nên việc triển khai hệ thống quản lý trường học phải thực hiện trước để đồng bộ và tích hợp bổ sung những cơ sở dữ liệu khác cũng như phục vụ công tác quản lý và điều hành ngành thuận lợi hơn, giảm khối lượng công việc sự vụ để tập trung cho công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục”-ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở GD-ĐT, nói.

Ngoài ra, mạng xã hội học tập trực tuyến đã được xây dựng và đang trong quá trình kiểm tra chạy thử. Hệ thống này trước tiên phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành, kiểm tra khảo sát đánh giá năng lực đội ngũ này; sau đó, phục vụ cho học sinh rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức. Hệ thống được triển khai với mô hình mở, tương tác thông minh, ở đó người học và người dạy có thể trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp. Hệ thống này sẽ giúp việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn được thực hiện thuận lợi, hạn chế việc đi lại. Bên cạnh đó, trong năm học tới đây, ngành GD-ĐT cũng sẽ trang bị hệ thống soạn giảng, biên tập (Elearning) cho các trường THPT, giúp giáo viên soạn giáo án nhanh chóng, sau đó phần mềm sẽ hỗ trợ việc biên tập những tiết dạy hay thành bài giảng Elearning và đưa lên trang thông tin điện tử của nhà trường để học sinh rèn luyện, giáo viên tham khảo học tập kinh nghiệm. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tối đa việc học tập và cũng là một trong những biện pháp hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.

 

Thầy Lê Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Pah): “Việc triển khai hàng loạt hệ thống phần mềm công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới”.

Cùng với đó, ngân hàng câu hỏi và phần mềm khảo thí chất lượng giáo dục cũng đang được kiểm tra, đánh giá để hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm học 2017-2018. Hệ thống này sẽ giúp xây dựng ngân hàng đề thi để giáo viên đóng góp, tích lũy kinh nghiệm trong công tác ra đề, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện. Ngoài ra, hệ thống này sẽ hỗ trợ cho công tác tổ chức kiểm tra, thi cử được diễn ra thuận lợi, dễ dàng đồng bộ dữ liệu liên thông với phần mềm SMAS giúp giảm thiểu việc nhập điểm cho giáo viên.

Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống như: họp, tập huấn trực tuyến đến cấp huyện để giúp các hoạt động giữa Phòng GD-ĐT với các trường diễn ra thuận lợi, thường xuyên, giảm thiểu thời gian tổ chức, chi phí đi lại; hệ thống quản lý tài chính đồng bộ liên thông nhằm giúp cho việc tổng hợp, báo cáo tài chính trong ngành được thuận lợi; triển khai các phần mềm thí nghiệm ảo, mở rộng việc giảng dạy môn Tin học trong các trường Tiểu học, THCS...

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.