Trịnh Xuân Thanh thừa nhận: "Tôi đã ra đầu thú"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - đã chính thức thừa nhận: "Tôi đã ra đầu thú" trên bản tin Thời sự 19 giờ của VTV vào ngày 3-8.

 
 


Chiều 31-7, Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế.

Sau khi về nước đầu thú, lần đầu tiên ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình, trong bản tin Thời sự 19h của VTV và nói về lý do ra đầu thú của mình.

Theo đó, trong đơn xin đầu thú của ông Thanh có đoạn: Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm về việc gây ra thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú để mong được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.

Trên truyền hình, ông Trịnh Xuân Thanh cũng nói thêm: Trong thời gian trốn chạy, tôi đã thấy mình suy nghĩ không chín chắn khi đi trốn như thế và trong quá trình trốn, tôi thấy mình cần phải về để đối diện với sự thật. Thứ hai là cần phải về gặp lại mọi người, đặc biệt là các vị lãnh đạo để mình báo cáo, nhận khuyết điểm và xin lỗi về những sai phạm của mình...

Cũng trong ngày 3-8, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2-8 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh.

"Tôi lấy làm tiếc về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố khi được hỏi về việc Đức yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam tại Đức phải về nước vì liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó, tháng 9-2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tài liệu điều tra, Trịnh Xuân Thanh và nhóm cán bộ chủ chốt của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Ban Bí thư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC.

Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội), có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị.

Trước khi được Bộ Công Thương luân chuyển vào Hậu Giang và được HĐND tỉnh này bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 5-2015, ông Thanh là Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ này; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí.

Năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên, qua đó phát hiện PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài gây thua lỗ và thất thoát vốn của nhà nước.

Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC tham gia với tư cách là Tổng thầu hoặc nhà thầu lớn nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn.

Bích Hà (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.