Trao đổi: Cần rà soát, đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày gần đây, cư dân mạng bàn tán nhiều về chủ đề thầy giáo Tây “bóc mẽ” lỗi phát âm của giáo viên người Việt thông qua clip ngắn. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mục đích của người làm clip này-anh Dan Hauer, hiện là giáo viên người Mỹ dạy tiếng Anh tại Hà Nội.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều cư dân mạng, bao gồm những giáo viên dạy tiếng Anh và người đã, đang theo học tiếng Anh cho rằng, Dan Hauer hoàn toàn thiện chí với mong muốn sửa sai cho những giáo viên mắc lỗi phát âm khi dạy môn tiếng Anh. Bởi lẽ, với những người có nhu cầu học ngôn ngữ nước ngoài, cụ thể là tiếng Anh, việc phát âm chính xác là kỹ năng cơ bản, cần thiết để đạt hiệu quả trong giao tiếp. Về phía giáo viên dạy tiếng Anh, kỹ năng này còn quan trọng gấp nhiều lần và tuyệt đối không được phép sai bởi nó liên quan đến cả một thế hệ tiếp nhận kiến thức. Nếu tiếp nhận kỹ năng, kiến thức sai sót, chúng ta hay nói vui là “lỗi cả hệ thống”, rất dễ gây hậu quả nghiêm trọng mà quá trình sửa sai sẽ không hề đơn giản. Và trường hợp những giáo viên người Việt phát âm sai trong clip của Dan Hauer là một phần hậu quả do tiếp nhận kiến thức, kỹ năng sai từ những thế hệ giáo viên trước đó.

Từng tiếp cận môn tiếng Anh  từ những năm học cấp II, người viết bài này có thể hiểu một phần thực trạng phát âm sai hoặc chưa chuẩn của một số giáo viên đứng lớp thông qua việc so chiếu với cách phát âm của mỗi từ vựng trong từ điển Anh-Việt hoặc nghe các bài hát tiếng Anh… Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có thể nhận biết lỗi phát âm của giáo viên, dẫn đến mắc nhiều lỗi khi phát âm. Trong thực tế học tiếng Anh trước đây cũng như bây giờ, nhiều phụ huynh và cả người học chưa chú trọng đến kỹ năng nói mà chỉ xem trọng phần cấu trúc ngữ pháp. Đó là sự nhận thức chưa đầy đủ về mục tiêu sau cùng của việc học tiếng Anh trong phần đông người Việt hiện nay. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nhận xét, đánh giá năng lực của giáo viên dạy tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng phát âm.

Không phải chủ quan khi cho rằng nhiều giáo viên tiếng Anh hiện nay chưa đạt chuẩn trong phát âm, đối thoại bằng tiếng Anh. Vì vậy, thông qua công tác rà soát, đánh giá thường xuyên trình độ, kỹ năng của đội ngũ giáo viên tiếng Anh, ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể nắm bắt thực trạng và có những giải pháp phù hợp để điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng giáo viên bộ môn này hiện nay.

Ksor H’yuên

Có thể bạn quan tâm