Học sinh Tiểu học được gì khi học 2 buổi mỗi ngày?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không phải đến bây giờ, học sinh bậc Tiểu học ở nước ta mới học 2 buổi/ngày mà từ thời Pháp thuộc, các em nhỏ đã cắp sách đến trường cả ngày rồi. Trong bài thơ “Quê hương” của Giang Nam đã nhắc đến điều đó: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”. Tất nhiên, mục tiêu, chương trình giáo dục thời ấy khác xa với hiện nay.

Năm học 2010-2011, từ Hiệp định tài trợ giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Giáo dục-Đào tạo đã cho phép triển khai mô hình SEQAP ở 36 tỉnh thành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học ở những vùng khó khăn. Tỉnh Gia Lai có 42 trường của 8 huyện được hưởng thụ chương trình này. Đây là chương trình dạy 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học nhằm bổ sung thời gian cho việc dạy học và điều chỉnh hoạt động giáo dục theo chương trình, kế hoạch để giúp học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Tiếng  Việt, Toán; rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với lứa tuổi.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau 5 năm triển khai, các địa phương đều nhận xét là chương trình SEQAP có nhiều ưu điểm vượt trội, chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh được nâng cao, nhiều kỹ năng sống được rèn luyện khá. Từ đó, nhiều tỉnh thành, nhất là những nơi có điều kiện về cơ sở vật chất trường học đã triển khai đại trà chương trình này cho học sinh Tiểu học và được đa số phụ huynh đồng thuận. Các địa phương như Nghệ An, Quảng Ngãi… từ năm học 2016-2017 đã có từ 60% đến trên 90% trường Tiểu học triển khai học 2 buổi/ngày, trong đó nhiều trường tổ chức được bán trú cho học sinh. Và chương trình tổng thể cải cách giáo dục sắp đến cũng được thiết kế theo tinh thần học 2 buổi/ngày cho học sinh Tiểu học trên toàn quốc với phương châm tinh giản, không áp lực, tạo ra môi trường thân thiện “vui để học”; rèn luyện cho các em tính tự lập, cách tư duy tích cực…

Tuy nhiên, một trong những vấn đề nan giải là cơ sở vật chất và trang-thiết bị trường học không phải nơi nào cũng đồng bộ, nhiều trường thiếu cả phòng học, chưa nói đến các phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập, nhà ăn, nhà nghỉ bán trú đều chưa được chuẩn bị. Nhiều trường trong thành phố diện tích chật hẹp khó có điều kiện mở rộng; các trường học vùng nông thôn chưa có kinh phí xây dựng, tu bổ nên việc triển khai chương trình học 2 buổi/ngày đang là thách thức lớn. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cần phải được bổ sung với tiêu chí từ 1,3 đến 1,5 giáo viên/lớp, trong đó có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục-Thể thao, tiếng Anh, tiếng dân tộc địa phương… Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cũng phải đồng bộ, kịp thời. Vấn đề khá quan trọng khi triển khai chương trình học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học bị vướng mắc là chế độ, chính sách cho giáo viên. Thường thì tùy từng địa phương trên cơ sở sự đóng góp của phụ huynh mà các trường trả thù lao cho giáo viên dạy 2 buổi nên chưa có sự thống nhất, nơi thấp, nơi cao không tương xứng với công sức của giáo viên. Vì vậy, khi triển khai đại trà thì Nhà nước cần có chế độ thống nhất cho cả nước trên cơ sở trả thù lao của tiết dạy (trả tiền thừa giờ) sẽ công bằng hơn.

Áp dụng chương trình học 2 buổi/ngày cho bậc Tiểu học là bước đi đúng hướng theo xu thế giáo dục tiên tiến của các nước, nhưng yêu cầu đặt ra đối với các trường Tiểu học ở địa phương là rất lớn cả về vật chất và con người nên cần có lộ trình sát thực tế để không bị động khi triển khai đồng loạt. Không thể giao phó cho riêng ngành Giáo dục-Đào tạo nhiệm vụ này mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần vào cuộc mới có thể đạt mục tiêu đề ra.

Việt Linh

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.