Cần nhân rộng bể bơi thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo tổng hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 42 trẻ tử vong do đuối nước. Do vậy, việc dạy bơi cho trẻ em là vấn đề mang tính cấp thiết.  Trong khi số bể bơi kiên cố trên địa bàn tỉnh rất ít thì việc đầu tư các bể bơi thông minh là giải pháp hữu hiệu vì có nhiều tiện ích, giá thành phù hợp.

Nhiều tiện ích

Thay vì xây dựng bể bơi cố định tốn kém tiền tỷ thì việc đầu tư bể bơi thông minh được xem là một trong những giải pháp khá hiệu quả hiện nay. Đây là loại bể bơi được lắp ghép khá đơn giản bởi vật liệu nhỏ gọn, khung bên ngoài được làm bằng sắt dễ dàng tháo dỡ, tấm lót bên trong là loại bạt dày có khả năng giữ nước và chịu được áp lực cần thiết. Việc tháo dỡ, di chuyển lắp đặt đến vị trí mới cũng khá dễ dàng.  Điều quan trọng là loại bể bơi này chỉ có giá 200-300 triệu đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 2 địa phương trích ngân sách để đầu tư bể bơi thông minh dành cho học sinh là huyện Chư Pah và thị xã Ayun Pa.

 

Học viên tham gia khóa học bơi tại Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng. Ảnh: P.L
Học viên tham gia khóa học bơi tại Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng. Ảnh: P.L

Bể bơi thông minh ở huyện Chư Pah được UBND huyện đầu tư gần 500 triệu đồng, gồm một bể bơi có  kích thước 6 mét x 16 mét x 1,2 mét, mái vòm và phòng thay đồ. Bể bơi này được UBND huyện bàn giao cho Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng) quản lý và đã khai trương hoạt động vào ngày 14-7. Tại đây hiện có 42 học viên đang theo học bơi. Để đảm bảo vệ sinh, hồ bơi thông minh được thay nước thường xuyên và nước được xử lý trước khi cho vào bể.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, ngoài sự giám sát của các huấn luyện viên, Ban Giám hiệu nhà trường còn luân phiên phụ trách mỗi ca học để xử lý kịp thời những tình huống không may có thể xảy ra đối với các học viên. Bể bơi cũng được trang bị hệ thống camera giám sát để nhà trường tiện theo dõi mọi hoạt động của học viên. Qua một thời gian đưa vào hoạt động, mô hình bể bơi thông minh dành cho học sinh ở Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực khi trang bị cho các em học sinh những kỹ năng phòng-chống đuối nước cần thiết. Hiện tại, UBND huyện đã giao kinh phí cho Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện triển khai đầu tư thêm một bể bơi thông minh  ở Trường Tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin).

Ngoài huyện Chư Pah, thị xã Ayun Pa cũng đã quan tâm đầu tư một bể bơi thông minh dành cho học sinh được đặt tại Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã. Bể bơi có kích thước 6,5 mét x 12,5 mét với kinh phí 300 triệu đồng đã được khai  trương vào ngày 17-7. Mới đưa vào hoạt động được một thời gian ngắn, nhưng bể bơi đã thu hút được hơn 40 học viên theo học. Hai huấn luyện viên trực tiếp giảng dạy đều tốt nghiệp Đại học Thể dục-Thể thao và có chứng chỉ dạy bơi theo quy định. Học viên sẽ được đào tạo về kỹ năng bơi và được trang bị kỹ năng cứu người khi gặp sự cố dưới nước.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Quyết định số 151/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 6-3-2017 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020 có đề cập đến nhiệm vụ triển khai thí điểm trang bị hồ bơi thông minh cho một số huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xây dựng đề án để trình UBND tỉnh hỗ trợ. Phấn đấu trong năm 2017 và 2018, mỗi đơn vị cấp huyện có một 1 hồ bơi thông minh; phấn đấu đến năm 2020, mỗi đơn vị cấp huyện xây dựng được ít nhất 2 hồ bơi kiên cố đảm bảo theo đúng quy định để tổ chức dạy bơi, phổ cập bơi cho trẻ em.

Việc xây dựng bể bơi, phổ cập bơi cho học sinh là chủ trương đúng đắn, kịp thời của tỉnh trước tình trạng số trẻ em tử vong do đuối nước ngày càng gia tăng. Theo tổng hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 42 trẻ tử vong do đuối nước (tăng 16 trẻ so với cùng kỳ năm 2016). Trong số đó, chỉ có 2 em biết bơi. Điều này cho thấy, việc triển khai dạy bơi cho trẻ em là điều cần thiết.

Bên cạnh ngân sách nhà nước, các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã tập trung tuyên truyền, kêu gọi thực hiện xã hội hóa để xây dựng bể bơi thông minh. Tuy nhiên, trên thực tế, ở những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển thì việc xã hội hóa xây dựng bể bơi thông minh không phải là quá khó khăn nhưng đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa thì đây là cả một vấn đề. Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn trong quá trình vận hành, người quản lý các bể bơi phải có kiến thức chuyên môn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học viên. Với nguồn kinh phí đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân sẽ có những bất cập về mức thu phí học để duy trì hoạt động và thu hồi vốn.  

 

Cô Phạm Thị Hoan-Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng  (huyện Chư Pah): Từ khi có bể bơi thông minh, học sinh trong trường đều rất hào hứng, phụ huynh cũng đồng tình ủng hộ. Trong thời gian tới, theo dự kiến, môn bơi sẽ trở thành hoạt động ngoại khóa trong trường học.

Ông Lý Kỳ Chung-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai: Tại kỳ họp HĐND huyện vừa qua có đề cập đến việc xã hội hóa xây dựng bể bơi thông minh. Theo đó, Phòng đã tập trung tuyên truyền và đã nhận được sự đồng ý đầu tư của một doanh nghiệp tư nhân. Phòng đã làm tờ trình xin chủ trương của UBND huyện, nếu được đồng ý,  đây sẽ là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn huyện.

Em Lâm Thảo My-lớp 4A, Trường Tiểu học Nay Der (thị xã Ayun Pa): Trước đây, em rất muốn học bơi nhưng không có nơi để học. Từ khi bể bơi ở Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã khai trương, em đã đăng ký và đã học được những kỹ năng bơi cơ bản. Giờ em không còn sợ nước như trước đây và đã bơi được một quãng khá xa.

Để đầu tư mới và quản lý các bể bơi thông minh, khó khăn chắc chắn vẫn còn nhiều.  Nhưng với những tiện ích mà bể bơi thông minh mang lại và để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước có thể xảy ra thì mô hình này là một giải pháp hữu ích trong việc tạo sân chơi cũng như rèn luyện kỹ năng cho trẻ, cần được nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Căn-Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng  (Sở Giáo dục-Đào tạo), cho biết: “Để tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục, vừa qua, Sở Giáo dục-Đào tạo đã  phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mở lớp tập huấn bơi lội, cứu đuối nước cho 71 giáo viên trên địa bàn tỉnh. Sau khi tham gia khóa huấn luyện, các giáo viên đã được cấp chứng chỉ đủ điều kiện để dạy bơi. Sở Giáo dục-Đào tạo cũng đã có công văn chỉ đạo các trường tăng cường công tác phòng-chống tai nạn đuối nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư bể bơi thông minh. Để giải quyết vấn đề nhức nhối về tai nạn đuối nước cho trẻ em, trong thời gian tới, ngoài sự quan tâm của UBND tỉnh, rất cần có sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và sự quan tâm của các bậc phụ huynh để có thêm nhiều bể bơi thông minh dành cho trẻ em”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm