Bất cập trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Địa bàn quản lý rộng, lực lượng chức năng mỏng, thiếu phương tiện, thiết bị hỗ trợ; công tác phối hợp chưa chặt chẽ trong khi thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, khó xử lý vì đa số các vụ vi phạm đều vắng chủ… là những bất cập mà các cơ quan chức năng hiện đang vấp phải trong quá trình đấu tranh chống buôn bán, vận chuyện thuốc lá lậu trên địa bàn tỉnh.

22% số vụ xử lý vắng chủ

Theo thống kê của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, tính từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, các cơ quan chức năng là thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã phát hiện 261 vụ vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, với trên 303.600 bao thuốc lá. Trong đó, lực lượng Quản lý Thị trường phát hiện 184 vụ, Bộ đội Biên phòng phát hiện 51 vụ, Công an phát hiện 14 vụ và Hải quan phát hiện 12 vụ… Điều đáng nói là trong tổng số 261 vụ bị bắt giữ có đến 58 vụ vắng chủ, chỉ xử lý tang vật (chiếm tỷ lệ 22%), tập trung chủ yếu trên địa bàn biên giới. Điều này khiến cho quá trình xử lý vi phạm thiếu tính răn đe và khó triệt tận gốc vấn nạn buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu.

 

Thuốc lá tập kết về cơ quan chức năng để thực hiện tiêu hủy.                      Ảnh: D.Q
Thuốc lá tập kết về cơ quan chức năng để thực hiện tiêu hủy. Ảnh: D.Q

Lý giải về trình trạng vắng chủ, ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan Gia Lai-Kon Tum, cho rằng: “Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng chủ yếu mật phục ở các đường mòn, lối mở khu vực 2 phía cánh gà Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Do địa hình rừng núi nên khi bị lực lượng Hải quan phát hiện, các đối tượng thường vứt hàng bỏ chạy, trốn vào rừng hoặc giả làm người dân đi làm rẫy… Sau 30 ngày thông báo không có người đến nhận hàng, Đội sẽ làm thủ tục chuyển qua lực lượng Quản lý Thị trường xử lý”. Cũng theo cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là người địa phương, thông thuộc địa bàn, được các đầu nậu thuê vận chuyển thuốc lá lậu đến các điểm tập kết, số lượng mỗi lần vận chuyển chỉ từ một đến vài ba thùng thuốc có thể gùi hoặc vận chuyển bằng xe gắn máy. Trong khi đó, biên chế của Đội quá mỏng (chỉ có 8 người), các thiết bị hỗ trợ, phương tiện hạn chế nên việc truy đuổi đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều quy định bất nhất

Một trong những bất cập khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác xử lý vi phạm đó là sự thiếu thống nhất trong một số văn bản. Đơn cử như Nghị định 124/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều trong Nghị định số 185/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, hành vi kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển trái phép từ 500 bao thuốc lá trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi những vụ có số lượng từ 500 bao đến 1.500 bao chuyển sang cơ quan tiến hành truy tố hình sự lại vướng bởi quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nên không truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng vi phạm trong những trường hợp này. Bởi lẽ, theo thông tư này thì để truy cứu trách nhiệm hình sự vi phạm phải từ 1.500 bao thuốc lá trở lên.

 

Ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường, đại diện cơ quan Thường trực 389 của tỉnh: “Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ bổ sung, điều chỉnh các quy định cho phù hợp. Đặc biệt là kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới như: tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống cho người dân… Từ đó, sẽ giảm thiểu tình trạng người dân vận chuyển thuê, tiếp tay cho buôn lậu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục giữ quan điểm tiêu hủy toàn bộ thuốc lá điếu nhập lậu mà không bán hoặc tái xuất”.

Luật Thương mại năm 2005 quy định “Thuốc lá nhập lậu là hàng cấm”. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư năm 2014 thì kinh doanh “sản phẩm thuốc lá” thuộc danh mục “Ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Sự mâu thuẫn, bất nhất trong các quy định khiến cơ quan chức năng không xác định được thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm hay hàng kinh doanh có điều kiện. Vì thế, việc xử lý hình sự đối với những người có hành vi nhập lậu, tàng trữ, kinh doanh và vận chuyển thuốc lá nhập lậu gặp khó khăn.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và giữa các địa phương chưa chặt chẽ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác bắt giữ, xử lý. Một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt, thường xuyên trong công tác chỉ đạo, triển khai… Ngoài ra, yếu tố tác động không nhỏ đó là do đời sống nhân dân khu vực vùng biên, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không có việc làm ổn định, nhận thức pháp luật hạn chế nên bị các đối tượng móc nối, mua chuộc tham gia vận chuyển thuốc lá lậu…

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm