Người lớn ở đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuần qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ việc một bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình bị bắt cóc và nghi bị sát hại, thi thể được tìm thấy sau đó 5 ngày.

Thi thể bé trai mất tích ở Quảng Bình có nhiều vết đâm nghi bị sát
Thi thể bé trai mất tích ở Quảng Bình có nhiều vết đâm nghi bị sát (ảnh internet)

Tiếp đó vài ngày, lại thêm 1 vụ đuối nước thương tâm khiến 2 em nhỏ ở Lâm Đồng tử vong. 1,5 tháng trước, tại huyện Ia Grai xảy ra vụ đuối nước khiến 4 học sinh vĩnh viễn chia tay bạn bè từ mùa hè này. Và chỉ cách đó 2 tháng, vùng biên giới Ia O của huyện này cũng trắng màu khăn tang đưa tiễn 4 học sinh chết do đuối nước.

Và vô số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em đã diễn ra.  

Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho những tình huống nguy hiểm mà trẻ em phải đối mặt như trên: xã hội, môi trường… Nhưng có một câu hỏi chưa được quan tâm thấu đáo, đó là: Người lớn ở đâu?

Tôi có người bạn sang định cư ở Canada đã được vài năm. Nói về những điều hay phải học hỏi ở xứ người, chị không quên kể lại câu chuyện: Hôm ấy, có vài đứa trẻ hàng xóm sang chơi nhà chị. Có một bé vô chơi chỉ khoảng 5 phút thì đòi về. Về nhà, bé nói với mẹ rằng ở đó không có ai là người lớn hết, không an toàn nên bé không chơi lâu. Người hàng xóm này bèn dẫn con sang nhà chị kiểm chứng thì mới bật cười, thì ra vì chị hơi nhỏ con nên bé nhìn không rõ, cứ tưởng không có người lớn trông coi, giám sát. Nghĩa là, trẻ em ở Canada ý thức rất rõ “quyền lợi” của mình trong việc được bảo hộ bởi người lớn. Đây không phải là điều tự nhiên mà có, mà là kết quả của việc giáo dục ý thức từ khi trẻ còn rất nhỏ. Và rõ ràng là người Canada rất kỹ lưỡng trong việc giám sát con trẻ. Trong khi đó, tại nước Nhật, xác định thời điểm nguy hiểm nhất đối với học sinh tiểu học là sau khi tan học, các nhà trường luôn yêu cầu học sinh về thẳng nhà, cất cặp sách và mũ rồi mới đi chơi. Nhà trường cũng tư vấn cho học sinh những tuyến đường an toàn từ nhà đến trường và ngược lại, nhờ thế phụ huynh dễ dàng có phương án tìm con nếu các em lâu trở về. Nhà trường còn hướng dẫn trẻ không bao giờ chơi một mình sau giờ học, luôn thông báo với người giám hộ mình sẽ đi đâu, với ai và về nhà lúc mấy giờ. Nhiều trẻ Nhật Bản được sử dụng điện thoại di động từ sớm và có thể gọi xin phép bố mẹ nếu muốn chơi lâu hơn.

Quay lại những câu chuyện đau lòng kể trên với câu hỏi người lớn ở đâu, khi các em gặp nạn? Đa số là đang bận mưu sinh, bận việc nhà mà lơ là, mà quên chú ý chuyện con em mình đang ở đâu, làm gì, với suy nghĩ chủ quan và giản đơn: chắc không có gì, mọi hôm vẫn thế... Nếu người lớn đừng rời mắt khỏi trẻ quá lâu, nếu gia đình luôn ý thức trong việc bảo vệ trẻ, hoặc không bên cạnh con nhưng vẫn yên tâm vì có sự giám sát của người khác thì đã không xảy ra những chuyện thương tâm. Và nếu các em được trang bị đầy đủ kỹ năng sống để tự bảo vệ mình trong những tình huống nguy hiểm, nếu các em được giáo dục ý thức về việc không tụ tập vui chơi nếu không có người lớn trông coi… thì cũng sẽ giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc.

Đừng chỉ đổi lỗi cho nhà trường, xã hội hay môi trường xung quanh, tuy rằng vai trò, tầm ảnh hưởng của các bên là không thể phủ nhận trong quá trình trưởng thành của mỗi con người. Nhưng phải xác định rằng gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Vì từ khi ra đời, con cái đã là “tài sản” có giá trị nhất đối với cha mẹ. Hơn bất kỳ thứ tài sản nào khác.

Vậy nên, đừng để con ra khỏi tầm mắt quá lâu!

 Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.