"Bụt chùa nhà không thiêng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần một tháng chu du qua các Liên hoan phim quốc tế tại Mỹ, đạo diễn Lương Đình Dũng vừa trở về với giải thưởng “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất” dành cho bộ phim “Cha cõng con” của mình khi tham gia Liên hoan phim quốc tế Arizona lần thứ 26 diễn ra ở Nhà hát Trung tâm thành phố Touson. Ngoài ra, phim còn đoạt giải “Quay phim ấn tượng nhất” do Ban giám khảo bình chọn dành cho nhà quay phim Lý Thái Dũng. Liên hoan phim quốc tế Arizona năm nay có 96 phim được gửi đến từ 20 quốc gia.
 

 

Trước đó, tại Liên hoan phim quốc tế Boston lần thứ 15 (từ ngày 13 đến 17-4), phim “Cha cõng con” đã giành giải “Phim có cốt truyện hay nhất”. Liên hoan phim này có gần 3.220 phim của nhiều quốc gia trên thế giới tham dự. Nhiều tờ báo lớn quan tâm đến sự kiện văn hóa này dẫn lời Patrick Joro-Giám đốc điều hành Liên hoan phim quốc tế Boston chia sẻ: “Đây là bộ phim chúng tôi yêu thích, là một trong những bộ phim hay nhất trong liên hoan phim năm nay… Tôi thực sự rất ấn tượng với “Cha cõng con” qua các cảnh quay dưới mưa. Đặc biệt, khi bạn nhìn thấy cảnh lũ nhấn chìm căn nhà, người cha cho đá vào thuyền để giữ thuyền dưới nước. Chúng tôi thực sự tin rằng các bạn đã ở đó và tất cả cảnh quay là thật. Tôi không biết đạo diễn dùng kỹ thuật gì nhưng đối với tôi điều đó rất tự nhiên. Tôi thực sự không tin là mình đang xem một bộ phim hư cấu. Tôi có cảm tưởng như tôi đang xem một câu chuyện rất thật”.

Không chỉ được vinh danh ở Mỹ, bộ phim “Cha cõng con” của Lương Đình Dũng còn nhận được giải “Quay phim xuất sắc nhất” của Liên hoan phim quốc tế Milano lần thứ 17 của Italia. Giải thưởng này đã được Ban tổ chức thông báo trên trang web chính thức của liên hoan phim (diễn ra từ ngày 10-5 đến 10-6 năm nay).  

“Cha cõng con” là bộ phim điện ảnh đầu tay do nhà biên kịch, đạo diễn Lương Đình Dũng tự bỏ công sức và tiền bạc thực hiện. Bộ phim dài 90 phút, kể lại một câu chuyện đẹp về tình cha con giữa cha Mộc và bé Cá ở một vùng quê nghèo. Họ sống trong căn nhà lá ven sông, bắt tôm cá đắp đổi qua ngày... Bộ phim có cách kể mới lạ, dung dị và là tác phẩm điện ảnh không dành cho số đông. Tuy nhiên, nếu khán giả mở lòng và kiên nhẫn, “Cha cõng con” sẽ mang đến sự rung động bởi những tình cảm rất đỗi chân thành. Tác phẩm nhận được sự đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc tế danh giá như: Liên hoan phim Quốc tế Arizona, Liên hoan phim châu Á- Thái Bình Dương, Liên hoan phim quốc tế Houston... Nhận xét về bộ phim, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh cho rằng: “Đó là một phim có chủ đích, có định hướng. Nó không chạy theo thương mại, không chạy theo giải trí, nó muốn khêu gợi cho người xem một tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, thông cảm đến những số phận thiệt thòi của đồng bào miền núi xa xôi, hẻo lánh. Đây là một bộ phim đi sâu vào tình cảm con người. Xem bộ phim này chúng ta phải bình tâm, không sốt ruột, để nhận ra thông điệp bên trong. Tôi có cảm tưởng nó đã tiếp nối được mạch truyền thống của điện ảnh Việt Nam”.  

Còn đạo diễn Lương Đình Dũng thì chỉ khiêm tốn, chỉ thấy vui khi “Cha cõng con” đã mang đến cho bạn bè quốc tế sự nhân ái lan tỏa, là niềm vui khi phim kết thúc bằng những tràng pháo tay kéo dài, là những lời chia sẻ và những câu hỏi thú vị của khán giả về bộ phim. Tham gia các liên hoan phim quốc tế là dịp để được giao lưu với bạn bè, học hỏi kinh nghiệm những nhà làm phim chuyên nghiệp; thảo luận với một nhà sản xuất tại Mỹ để hợp tác làm bộ phim “5-7-8 ”, bộ phim sẽ sản xuất trong năm 2018.

Có một thực tế là dẫu khá nhiều thành công tại các liên hoan phim danh giá trên thế giới, được báo chí đánh giá cao nhưng “Cha cõng con” gần như trắng tay tại giải thưởng điện ảnh trong nước. Tại  Giải Cánh Diều vừa rồi, đạo diễn Lương Đình Dũng đã ngậm ngùi trả lại bằng khen của Ban tổ chức. Đây cũng là số phận chung của rất nhiều bộ phim thuộc dòng phim độc lập khác như “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di, “Đập cánh giữa không trung” của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp hay trước đó là “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên... Đó là một thực tế đáng buồn của các bộ phim do các cá nhân tự bỏ tiền ra làm hiện nay. Ngoài ra, một rào cản còn đáng sợ hơn cả nỗi lo thu hồi vốn hay các giải thưởng điện ảnh là sự thờ ơ của rạp nhà và khán giả nhà. Phim “Bi, đừng sợ”  sau khi thi thố tại 30 liên hoan phim quốc tế cũng phải chật vật mới tìm được nhà phát hành trong nước. “Đập cánh giữa không trung” được CGV phát hành tại cụm rạp tận Hà Đông, còn đạo diễn Lương Đình Dũng thì phải kêu trời khi “ Cha cõng con” bị các rạp xếp vào khung giờ vắng khách... “Một số rạp người ta đưa phim vào khung giờ 8 giờ 50 phút, 9 giờ sáng, 13 giờ, 16 giờ hay là 23 giờ. Đây là những giờ người ta đang đi làm, các cháu đang đi họ. Đấy là những giờ ế khách. Họ làm lấy lệ. Mình buồn, nhưng có phải rạp của mình đâu. Chịu thôi”-Lương Đình Dũng chia sẻ.

Các rạp phim trong nước chỉ mặn mà với phim thương mại. “Em là bà nội của anh” không thể thành công đến thế nếu không có bà đỡ mát tay CGV; “Tấm Cám chuyện chưa kể”cũng được BHD ưu ái hết mức... và mới đây là “Em chưa 18”, chỉ một tuần ra rạp, doanh thu bán vé đã hơn 100 tỷ đồng. Trong khi đó, phim do các nhà làm phim độc lập lại không nhắm đến nhu cầu thưởng thức của công chúng rộng rãi, không câu khách bằng mọi giá. Họ phải làm một hành trình ngược là “thử lửa” ở các liên hoan phim quốc tế, thậm chí là phát hành ở nước ngoài trước, rồi mới ra mắt khán giả nhà sau. Bởi nếu không, sẽ chẳng có cách nào chen chân vào hệ thống rạp vốn chật kín các bộ phim thương mại. Nhà biên kịch Hồng Ngát-Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thẳng thắn nói: “Thích là một chuyện, còn có thu hồi được vốn hay không lại là chuyện khác. Dòng phim độc lập rất quý vì các đạo diễn xin được tài trợ để làm theo sở thích, sự đam mê của bản thân, không phụ thuộc thị trường... Người ta cứ làm, còn hay, dở lại là chuyện khác”.

Đó là một thực tế mà nhiều nhà làm phim độc lập phải chấp nhận khi theo đuổi niềm đam mê này. Hệ thống rạp chiếu trong nước phần lớn nằm trong tay các ông chủ tư nhân nước ngoài, lợi nhuận luôn được đặt lên trên hết. Trong khí đó, phim độc lập là dòng chảy riêng không mang yếu tố cạnh tranh và cũng không góp phần điều chỉnh thị trường điện ảnh thương mại. Cánh cửa đối với các nhà làm phim độc lập ở Việt Nam vẫn còn khá hẹp và họ luôn phải tự bơi. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: “Độc lập ở đâu trên thế giới này cũng khó khăn thôi. Làm phim độc lập là độc lập trong mọi thứ, độc lập trong đối thoại cũng như đối mặt với thị trường. Chúng tôi đang chạy và quay lại thì chỉ thấy lác đác vài người đi sau. Tôi nghĩ là Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ cho phim độc lập phát triển”.

Phim độc lập là những mảnh ghép không thể thiếu trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là ở đấu trường quốc tế. Nhưng phải chăng ở Việt Nam, sân chơi cho các nhà làm phim độc lập quá chật chội? Và một khi bị o ép, đến một lúc nào đó, các nhà làm phim độc lập sẽ không còn giữ được sự trong trẻo, nhân văn trong các tác phẩm nữa thì đó sẽ là tổn thất không gì bù đắp cho nền điện ảnh nước nhà.

Vân Thiêng

Có thể bạn quan tâm

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.