Gia Lai: Rộn ràng trống hội tòng quân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như tin đã đưa, sáng 13-2, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh đồng loạt tổ chức lễ giao-nhận quân năm 2017. Sau các nghi thức thắp lửa truyền thống, trống hội tòng quân, 2.300 thanh niên toàn tỉnh đã hăng hái lên đường nhập ngũ, bắt đầu những ngày tháng học tập, rèn luyện trong môi trường mới.

Quyết tâm của tuổi trẻ

Cái se se lạnh của những ngày đầu xuân mới cũng không ngăn được dòng người đổ về các điểm giao-nhận quân, khiến cho không khí của buổi lễ tại các huyện, thị xã, thành phố càng thêm rộn ràng. Trong bầu không khí ấy, trên khuôn mặt của mỗi tân binh là những tâm trạng buồn-vui lẫn lộn. Họ vui vì được đóng góp sức mình để bảo vệ quê hương, đất nước và buồn vì tạm xa người thân trong 2 năm.

 

Trước giờ lên đường nhập ngũ.                     Ảnh: Đức Thụy
Trước giờ lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đức Thụy

Chững chạc trong bộ quân phục còn thơm mùi vải mới, tân binh Lê Văn Hùng (xã Diên Phú, TP. Pleiku) tự hào khoe: “Em họ tôi đang tại ngũ hay viết thư kể về cuộc sống quân ngũ nên tôi rất háo hức. Tôi nghĩ, thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của tuổi trẻ, vì vậy khi nhận lệnh gọi nhập ngũ, tôi thấy rất vinh dự, tự hào”. Nay De (buôn Sô Ma Lơng, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) vẫn cố gắng ngoái lại phía sau để kiếm tìm khuôn mặt của người thân. Trước ngày nhập ngũ, Nay De đã tổ chức đám hỏi như một lời hẹn ước với người bạn gái. “Chúng tôi yêu nhau lâu rồi, cô ấy cũng muốn tôi yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự nên đồng ý đính hôn, đợi khi nào tôi ra quân sẽ tổ chức đám cưới. Tôi đã hứa với cô ấy sẽ rèn luyện thật tốt trong quân ngũ để trưởng thành hơn, xứng đáng làm một người chồng và người cha tương lai…”-Nay De bồi hồi.

Được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh với nhiều tân binh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ mà đó còn là ước mơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tân binh, đảng viên Nguyễn Đình Quân (thôn Thanh Tân, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) xúc đong: “Từ nhỏ, tôi đã rất thích được vào môi trường quân đội nên khi nghe tin trúng tuyển, tôi vui lắm. Với tôi, được lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hết sức để rèn luyện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ”. Tương tự, tân binh, đảng viên trẻ Thâm (làng Btôk, xã Đê Ar, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Phải xa nhà 2 năm, tôi cũng thấy nhớ nhưng được làm người lính Cụ Hồ, sát cánh cùng đồng đội bảo vệ Tổ quốc thì thật là vinh dự. Là một đảng viên, tôi hứa sẽ cố gắng rèn luyện thật tốt để không phụ lòng bố mẹ”.

Dù vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở song tất cả các tân binh đều hăng hái lên đường và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.  “Tham gia nghĩa vụ quân sự không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm của mỗi thanh niên, vì vậy, tôi hứa sẽ không sợ khó, không ngại khổ, cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao tại đơn vị huấn luyện, để không phụ lòng mong mỏi của gia đình, sự tin tưởng của địa phương”-tân binh Trường Văn Thanh (xã Sró, huyện Kông Chro) quyết tâm.

Mong mỏi của người thân

 

Trước giờ lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đức Thụy
Trước giờ lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đức Thụy

Trong 2.300 thanh niên lên đường nhập ngũ đợt này,  số thanh niên có trình độ THPT chiếm 45%, THCS chiếm 49,1%; cao đẳng, đại học chiếm 2,3% và trung cấp chiếm 0,44%; công chức-viên chức là 0,21%; thanh niên có sức khỏe loại I chiếm 9,1%, loại II là 49,3% và loại III là 46,6%; đảng viên chiếm 2%. Đặc biệt, trong số này, thanh niên người dân tộc thiểu số chiếm 54,7% và có 24 thanh niên là con của cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.

Đối lập với những lời động viên rắn rỏi dành cho con em mình là những đôi mắt ngấn lệ của các mẹ, các chị; những cái bắt tay siết chặt của người anh, người cha… Những hộp sữa, gói bánh, túi thuốc cảm… chứa đựng biết bao tình cảm của người ở lại cũng nhanh chóng được gửi đến tận tay các tân binh trước khi đoàn xe lăn bánh.

Để tiễn cậu con trai Đinh Tu Ly lên đường nhập ngũ, cả gia đình ông Đinh Liếp (làng BRư, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) phải vượt chặng đường hơn 10 km. Ông Đinh Liếp cho biết: “Nó học hết lớp 9 thì nghỉ học. Nó mới cưới vợ được nửa năm, giờ đi nghĩa vụ quân sự nên gia đình thương nó lắm! Mình cũng hy vọng môi trường và kỷ luật quân đội sẽ rèn luyện cho nó tác phong, bản lĩnh vững vàng hơn, giúp nó trưởng thành hơn”. Nhìn thấy con chững chạc, rắn rỏi trong bộ quân phục, ông Siu Oul-cha của tân binh Nay De rưng rưng xúc động: “Ở nhà, nó làm giỏi lắm, máy móc cày bừa nó làm cả chứ vợ chồng tôi thì già rồi. Tôi thường lấy nó để làm gương cho 3 đứa em. Nay nó đi bộ đội, ở nhà không còn người phụ giúp việc nương rẫy nhưng tôi cũng vui lắm, thấy nó mặc áo bộ đội thật đẹp, hy vọng nó đi về rồi sẽ khôn lớn hơn, biết cách làm ăn hơn”.

Ôm đứa cháu nội lặn lội từ xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa) lên TP. Pleiku để chia tay con trai lên đường nhập ngũ, bà Ksor HLuanh-mẹ của tân binh Nay Chương không hề tỏ ra băn khoăn hay lo lắng. Bà động viên con trai: “Hai năm cũng nhanh thôi, cứ yên tâm thực hiện nghĩa vụ quân sự cho tốt, vợ và con gái ở nhà đã có cha mẹ lo lắng, chăm sóc”. Bà HLuanh cho biết, Chương thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 năm, khi về sẽ tiếp tục làm việc ở Tỉnh Đoàn, vợ anh cũng hoàn thành xong khóa học trung cấp, lúc đó cả hai đều yên tâm xây dựng sự nghiệp. Còn bà Đào Thị Huyền (thôn Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ)-đang công tác tại Tiểu đoàn Bộ binh 50-mẹ của tân binh Nay Quốc Khánh cũng phấn khởi: “Dù còn trẻ nhưng Khánh đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc nên gia đình vui lắm. Dù vất vả bao nhiêu tôi cũng luôn mong cháu sẽ cố gắng tiếp nối truyền thống gia đình, rèn luyện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ”.

Sau khi kết thúc các nghi lễ thắp lửa truyền thống, nổi trống mở hội giao quân, động viên và trao tặng hoa, quà của lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, những đoàn xe chở các tân binh đã lăn bánh về các đơn vị: Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Lữ đoàn 234 (Quân đoàn 3); Bộ Tham mưu Quân khu, Sư đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 280, Lữ đoàn Pháo binh 368 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Quân khu 5).

Nhóm P.V

Đại tá LÊ XUÂN HÒA-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
 
 
Năm 2017, tỉnh Gia Lai được giao chỉ tiêu tuyển 2.300 thanh niên. Để đảm bảo chỉ tiêu giao-nhận quân, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự cấp huyện và Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự cấp xã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các nhiệm vụ tuyển quân nhằm chốt chắc về quân số, đảm bảo khi giao quân đủ các tiêu chí theo quy định. Theo đó, thành viên Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các cấp đã đến tận từng nhà để động viên, tìm hiểu hoàn cảnh và phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra sức khỏe thanh niên theo phương châm “Tuyển người nào chắc người nấy”. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tuyên truyền, động viên thanh niên lên đường làm nhiệm vụ. Qua kiểm tra, công tác tuyển quân tại các địa phương đảm bảo đúng quy định, đủ chỉ tiêu giao. 
Ông TRẦN XUÂN QUANG-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku, Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự TP. Pleiku:
 
 
Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ được xác định là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, ngay từ đầu năm, thành phố đã tổ chức các bước: tổng rà soát thực lực thanh niên, sơ khám sức khỏe, nắm tình hình thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ, chốt quân số… Đồng thời, các xã, phường cũng làm tốt công tác tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của thanh niên khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự đến thanh niên và gia đình; quan tâm, làm tốt chính sách hậu phương quân đội… Nhờ đó, nhiều năm qua, TP. Pleiku luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu giao-nhận quân.
Thượng úy RI Ô Ri NA-Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Trung đoàn Bộ binh 991-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)-đại diện đơn vị nhận quân tại huyện Chư Sê:
 
 
Qua đánh giá cho thấy, chất lượng tân binh năm 2017 được nâng lên cả về trình độ học vấn và sức khỏe. Có thể nói, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyển chọn, gọi công dân lên đường nhập ngũ của các địa phương được thực hiện một cách nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển quân năm 2017. Với tinh thần là đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, các tân binh sau khi đơn vị nhận về sẽ được phân chia cho các đại đội, ổn định biên chế và tổ chức huấn luyện.
 
Ông HLUÂN (làng Ar Quát, xã Đê Ar, huyện Mang Yang)-cha của tân binh HLuynh:

Là một người lính từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên tôi luôn ủng hộ và động viên con trai lên đường nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Môi trường quân ngũ sẽ khá vất vả nhưng tôi tin HLuynh sẽ hoàn thành tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố.
 
Tân binh KSOR NOP (trú tại tổ dân phố 15, thị trấn Phú Thiện):

Gia đình tôi có 10 anh em thì có 9 người là con trai. Tôi là con thứ 6 và là người đầu tiên trong gia đình tham gia quân ngũ. Tôi đã có người yêu và bố mẹ hai bên cũng giục cưới nhưng tôi bảo đợi đi bộ đội về đã. Tôi cũng nghe một số anh đi bộ đội về kể lại, môi trường quân đội rất khắc nghiệt nhưng tôi nghĩ người ta làm được, tôi cũng làm được; có khó, có khổ mới nên người.

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.