Thấp thỏm lo giá tăng theo xăng dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá xăng dầu liên tục biến động trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tâm lý người tiêu dùng. Đặc biệt, lần điều chỉnh tăng giá “chóng mặt” ngày 20-12 vừa qua khiến dư luận lo ngại giá cả cuối năm sẽ được dịp leo thang. 
  Giá xăng tăng kéo theo nhiều nỗi lo cho người tiêu dùng. Ảnh: D.Q
Giá xăng tăng kéo theo nhiều nỗi lo cho người tiêu dùng. Ảnh: D.Q
Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày/lần, bám sát giá xăng dầu thị trường quốc tế. Vì vậy, lần điều chỉnh vào ngày 20-12 được xem là lần điều chỉnh cuối cùng trong năm 2016.
Từ đầu năm đến nay giá xăng đã tăng 12 lần với tổng cộng hơn 6.000 đồng/lít, 9 lần giảm với tổng cộng gần 5.000 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá. Đáng nói là mức tăng lần này đạt “đỉnh” cao nhất trong năm với giá xăng RON 92 tăng suýt soát 1.000 đồng (919 đồng/lít), nâng giá bán hiện tại tối đa là 17.594 đồng/lít. Các loại nhiên liệu khác cũng có mức tăng không kém, cụ thể: xăng E5 tăng 800 đồng/lít, dầu diesel tăng 761 đồng/lít, dầu hỏa tăng 734 đồng/lít, dầu mazut tăng 672 đồng/kg. 
Trong đó, mức tăng cao của dầu diesel có sự tác động không nhỏ đến giá cước vận tải, nhất là đối với các hãng xe khách đường dài. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đã bán hết vé Tết, đạt khoảng 90% chỉ còn lại một vài ngày thấp điểm, nên không thể điều chỉnh được nữa. Với mức tăng trên, bình quân một chuyến từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh đơn vị phải trả thêm khoảng 300.000 đồng tiền dầu. Do doanh nghiệp xác định giữ nguyên giá vé, chấp nhận giảm lợi nhuận nên thị trường giá cước vận tải Tết khá ổn định, tuyến TP. Hồ Chí Minh dao động từ 350.000 đồng đến 368.000 đồng/vé, tuyến Gia Lai-Đà Nẵng là 250.000 đồng/vé…
Khác với giá cước vận tải hành khách đường dài, giá cước vận tải taxi hiện đang được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá từ 3% đến 5%. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai cho rằng: “Những lần xăng tăng giá trước, đơn vị vẫn giữ nguyên giá cước, song lần này giá xăng tăng mạnh buộc đơn vị phải tăng giá nhằm bù phần nhiên liệu tăng giá và đảm bảo đời sống cho anh em lái xe và người lao động trong Công ty. Hiện Công ty đang triển khai phương án điều chỉnh tăng giá cước. Trong đó, tăng giá mở cửa đồng loạt lên 12.000 đồng, ở các km tiếp theo tăng thêm 500-700 đồng/km tùy từng dòng xe”.
Trong khi giá cả thực phẩm, đặc biệt là rau xanh tăng cao do nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ thì việc tăng giá xăng dầu ở mức cao cũng đã tạo nên tác động kép. Điều này gây tâm lý lo ngại giá cả leo thang cho người tiêu dùng, nhất là thời điểm Tết đang đến gần. Bà Đỗ Thị Định (tổ 2, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) ái ngại: “Thường thì xăng lên tôi ít để ý lắm, cứ ra đổ vài chục ngàn đồng, được bao nhiêu thì được, có hỏi giá bao giờ đâu. Thế nhưng lần này thấy giá tăng cao cũng xót ruột, sợ vài bữa nữa sắm Tết cái gì cũng tăng theo”. Còn anh Kpuih Thanh (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) than vãn: “Mỗi ngày đi làm thuê được 200.000 đồng, trong khi tôi phải đi làm tận trên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, vậy nên xăng tăng thì chi phí đi lại cũng tăng lên”. 
Tìm hiểu tại một số chợ trên địa bàn, tình hình giá cả hàng tiêu dùng hiện chưa có nhiều biến động, chỉ một vài mặt hàng tăng nhẹ như gas (tăng 3.000 đồng/bình), bia tăng khoảng 10.000 đồng/thùng… Riêng giá rau xanh vẫn chưa “hạ nhiệt”, theo nhiều tiểu thương kinh doanh thì mặt hàng rau vẫn khan hiếm. Và theo dự đoán của nhiều người thì khả năng hoa Tết năm nay cũng sẽ tăng giá vì khan hiếm.
 Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm