Đông trùng hạ thảo "made in Gia Lai"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đang làm việc tại Công ty Thủy điện Ia Ly nhưng kỹ sư Trần Đăng Khoa (đường Bà Triệu, TP. Pleiku) lại có niềm đam mê với đông trùng hạ thảo. Sau một thời gian thử nghiệm, anh đã nuôi cấy thành công và cho ra đời những sản phẩm đầu tiên về loài nấm được cho là “thần dược” này.

Đi tìm đam mê

 

  Góc làm việc khá đơn giản của anh Trần Đăng Khoa.                   Ảnh: P.L
Góc làm việc khá đơn giản của anh Trần Đăng Khoa. Ảnh: P.L

Vốn biết đông trùng hạ thảo được khoa học chứng minh là một loại dược liệu quý hiếm, được dùng trong việc hỗ trợ điều trị ung thư rất hiệu quả và có giá khá đắt đỏ, anh Khoa thường xuyên tìm hiểu các tài liệu từ các nước đã cấy ghép thành công đông trùng hạ thảo như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Tây Tạng (Trung Quốc)… Ban đầu, anh thường nhập hàng từ các nơi về, vừa bán vừa sử dụng để so sánh, rút ra kinh nghiệm cho mình. “Từ việc tự mình trải nghiệm, tôi mới biết được đông trùng hạ thảo trên thị trường có muôn hình vạn trạng. Có những loại rất chất lượng nhưng có nhiều loại không tốt như người ta lầm tưởng bởi sự nuôi trồng không đúng kỹ thuật, nguồn giống không đảm bảo”-anh Khoa chia sẻ.

Nhưng chừng ấy chưa đủ để anh Khoa hạ quyết tâm sẽ làm cuộc phiêu lưu với đông trùng hạ thảo. “Tôi thường nghe về công dụng của đông trùng hạ thảo trong việc hỗ trợ chữa ung thư nhưng vẫn chưa tận mắt chứng kiến. Lần đầu cầm trên tay mẫu sản phẩm đông trùng hạ thảo, tôi thao thức cả đêm rồi chợt nhớ đến mẹ của một người bạn học, cô bị ung thư đã 5, 6 năm. Trải qua thời gian dài điều trị, cô bị suy kiệt và táo bón rất nặng. Sáng hôm sau, tôi lập tức trao đổi với bạn mình về loại thảo dược này và đề nghị bạn cho mẹ dùng thử. 5 ngày sau, bạn tôi báo mẹ bạn có thể đi vệ sinh được một cách bình thường rồi, mẹ vui lắm, tinh thần phấn chấn lên rất nhiều. Tiếc rằng, thời điểm này bệnh tình của cô đã quá nặng, không thể dùng đông trùng hạ thảo để vực dậy một cách mạnh mẽ, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm động lực để tôi quyết tâm nghiên cứu nuôi cấy loài nấm đặc biệt này”-anh Khoa kể lại.  

Kiên trì sẽ thành công

Khó có thể tưởng tượng được phòng thí nghiệm để tạo ra loài nấm được mệnh danh là “thần dược” có giá từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/kg của anh Khoa lại đơn giản đến vậy. Một chiếc bàn gỗ học sinh kê sát tường, bên trên đặt các dụng cụ đo đếm, các loại dung dịch. Anh Khoa áp dụng rất nghiêm ngặt các biện pháp diệt khuẩn tiệt trùng bằng focmoon, cồn 90 độ, đèn cực tím để chiếu xạ và dùng nồi hấp để tiệt trùng tất cả các thiết bị trong quá trình nghiên cứu của mình…

 

Đông trùng hạ thảo là một loại nấm sống ký sinh trên côn trùng, trên các vùng núi cao 3.000-4.000 mét so với mực nước biển ở Himalaya, Tây Tạng, Vân Nam, Cam Túc... Có trên 600 loài đông trùng hạ thảo nhưng được biết đến nhiều nhất là Cordyceps Sinensis và Cordyceps Militaris, trong đó Cordyceps Militaris có tính năng vượt trội về dược chất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên đông trùng hạ thảo trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt do khai thác quá nhiều và số lượng không đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng nên giá thành rất cao, từ 50.000 USD đến 90.000 USD/kg khô.

Trong các thiết bị, máy móc mà anh Khoa dùng để nghiên cứu, nuôi cấy đông trùng hạ thảo phải kể đến 2 chiếc tủ mát (loại tủ lạnh làm mát nước thường thấy ở các quán cà phê, tạp hóa-P.V). Anh Khoa cho hay: “Quy trình nghiên cứu, cấy ghép, nuôi trồng đông trùng hạ thảo đòi hỏi rất nhiều máy móc, thiết bị hiện đại và rất đắt đỏ. Để có thể tiết kiệm chi phí, tôi luôn suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo thêm nhằm đảm bảo đúng quy trình nhưng vẫn ở trong khả năng tài chính của mình”. Đến lúc này, những kiến thức tưởng như không mấy liên quan từ ngành điện tự động đã phục vụ đắc lực cho công việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Để đảm bảo quá trình nuôi đông trùng hạ thảo thay vì mua tủ vi khí hậu thì anh lại mua chiếc tủ mát cũ về, biến một chiếc tủ mát điều khiển bằng cơ sang điều khiển điện tử để duy trì nhiệt độ mong muốn, thiết kế thêm hệ thống tạo ẩm bằng sóng siêu âm, hệ thống cấp nước tự động, hệ thống chiếu sáng… Và thế là từ một chiếc tủ mát cũ anh đã có một tủ vi khí hậu trị giá cả trăm triệu đồng “made by me” của anh.

Lúc mới bắt tay vào nuôi cấy đông trùng hạ thảo, anh Khoa đã gặp rất nhiều khó khăn, thất bại và hao hụt về tài chính. Chỉ cần để bị nhiễm khuẩn trong quá trình cấy giống trong phòng tối sẽ khiến các cá thể bị hư hỏng. “Chỉ cần một cá thể bị hỏng mà không phát hiện kịp thời sẽ khiến cả mẻ giống bị lây lan và phải đem bỏ đi”-anh Khoa chia sẻ.

Để có được sản phẩm hoàn thiện cần trải qua nhiều giai đoạn như phân lập nhân giống, cấy giống, nuôi cấy. Quá trình này kéo dài 70-90 ngày và đòi hỏi sự theo dõi sát sao, đảm bảo quy chuẩn. “Mình may mắn tìm được rất nhiều tài liệu về nuôi cấy đông trùng hạ thảo từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… Hơn nữa, mình cũng đi từ Bắc tới Nam để tham quan, tìm hiểu các đơn vị đã nuôi cấy thành công để học hỏi. Cứ như thế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chấp nhận thử thách và sai sót. Có đôi lúc cũng rất nản lòng nhưng khi nghĩ đến căn bệnh ung thư quái ác kia là mình lại có thêm động lực để tiếp tục”-anh Khoa tâm sự.

Bây giờ, sau hơn 1 năm nghiên cứu và thử nghiệm thành công, mỗi lần anh Khoa nuôi cấy được 60-100 mẫu. Một phần anh bảo quản tươi, một phần anh gửi sấy khô theo công nghệ sấy thăng hoa. Trước mắt, sản phẩm của anh vẫn chưa phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, ước mong của chàng trai 8X này là từ công trình nghiên cứu của mình sẽ nhận được sự quan tâm từ một đơn vị, cơ quan, tổ chức nào đó, anh sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ để sản phẩm đông trùng hạ thảo đảm bảo chất lượng ngày càng phổ biến, giảm chi phí để mọi người ai cũng được sử dụng.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.