Gia Lai triển khai đồng bộ, toàn diện kế hoạch cải cách hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC). Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí VÕ NGỌC THÀNH-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về một số nội dung liên quan.

 
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành.         Ảnh: T.N
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành. Ảnh: T.N

* P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác CCHC của tỉnh?

- Đồng chí VÕ NGỌC THÀNH: Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai CCHC đồng bộ và hiệu quả trên cả 6 lĩnh vực: cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Nhờ đó, công tác CCHC của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ và văn hóa công sở.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát TTHC tiếp tục được các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đã đơn giản hóa được nhiều TTHC, từng bước giảm thời gian giải quyết, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương đã từng bước hoàn thiện thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 18/20 cơ quan hành chính cấp tỉnh và 17/17 đơn vị cấp huyện, 9 đơn vị cấp xã triển khai mô hình “Một cửa điện tử liên thông”. Việc xử lý TTHC của các đơn vị, địa phương đã được công khai trên mạng internet, kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực tế với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, giúp lãnh đạo các cấp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và người dân cũng có thể theo dõi, phản ánh, góp ý. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn đã tăng lên đáng kể với hơn 90%; công chức tham gia đã tăng cường ý thức trách nhiệm, ứng xử văn hóa và năng suất xử lý công việc.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CCHC chuyển biến tích cực, đã cung cấp hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và 54 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai ở tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành trục liên thông văn bản điện tử 4 cấp “Trung ương-tỉnh-huyện-xã” kết hợp với ứng dụng chữ ký số; hơn 60% công chức, viên chức sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin, công việc.

* P.V: Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số CCHC của Gia Lai xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Để có được kết quả trên, đồng chí có thể đề cập thêm một số kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo của tỉnh?

- Đồng chí VÕ NGỌC THÀNH: Kết quả chỉ số CCHC năm 2015 của Gia Lai xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và tăng 38 bậc so với năm 2014, là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tỉnh. Đạt được kết quả này là nhờ công tác chỉ đạo điều hành CCHC đã được người đứng đầu các cấp, các ngành quan tâm và trực tiếp chỉ đạo thường xuyên, đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực CCHC, đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Nhiều tồn tại của những năm trước đã được chỉ đạo khắc phục. Đồng thời, tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc trong giải quyết TTHC; cải thiện về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính, sự nghiệp các cấp theo hướng tinh giản, tự chủ và đúng các quy định của Chính phủ; nâng cao chất lượng hoạt động công vụ; tăng cường đầu tư hiện đại hóa nền hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng môi trường làm việc văn hóa; tập trung thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với cải cách TTHC, xem việc phục vụ người dân và doanh nghiệp là mục tiêu trung tâm của CCHC. Đồng thời, tỉnh cũng kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy CCHC...

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa hiện đại” của TP. Pleiku. Ảnh: T.N
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa hiện đại” của TP. Pleiku. Ảnh: T.N

* P.V: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung những nhiệm vụ và giải pháp chỉ đạo trọng tâm nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí VÕ NGỌC THÀNH: Các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cần phân tích rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó có các biện pháp khắc phục hiệu quả để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành về CCHC. Tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch CCHC hàng năm với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với lộ trình chung của tỉnh và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, địa phương, gắn với xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu CCHC ngày càng cao trong giai đoạn mới. Kiểm tra việc thực hiện kỷ luật và kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu nếu để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Gắn kết quả thực hiện CCHC với việc xem xét thi đua khen thưởng và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và công chức, viên chức.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, gắn với triển khai có hiệu quả đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Đẩy mạnh triển khai cải cách thể chế, cải cách TTHC, xóa bỏ các rào cản, thủ tục rườm rà, loại bỏ các giấy phép con không phù hợp, rút ngắn thời gian và tăng tính liên thông trong giải quyết TTHC, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, nhân rộng mô hình “một cửa điện tử” tại UBND cấp xã và cải tiến mô hình này ở cấp huyện, cấp tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công, bảo đảm tính hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch, chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!                                                                   

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.