Dân làng Brang về nơi ở mới để tránh lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 1/3 thế kỷ sinh sống dưới chân núi Kông H’Noi, 60 hộ dân làng Brang (xã Đak Pling, huyện Kông Chro) đã phải di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng bởi hiểm họa lở núi rình rập.

Dưới sự giúp sức của 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 1-Sư đoàn 2 (Quân khu 5), trên 400 đoàn viên thanh niên các xã Sró, Đak Song, Đak Kơ Ning, Đak Pling và người dân địa phương, các hộ dân ở làng Brang bắt đầu di dời nhà cửa về nơi ở mới cách vị trí cũ 500 mét. Nơi ở mới là khu đất bằng phẳng, ngay đầu làng, sát với đường liên thôn.

 

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 giúp dân di dời nhà cửa. Ảnh: H.N
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 giúp dân di dời nhà cửa. Ảnh: H.N

Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Phan Văn Trung cho biết, tỉnh đã cấp kinh phí 1,2 tỷ đồng, tương ứng với mỗi hộ 20 triệu đồng để hỗ trợ việc di dời. Huyện giao cho Phòng Dân tộc có trách nhiệm tiếp nhận số tiền trên, đồng thời phối hợp với Phòng Kinh tế-Hạ tầng, UBND xã Đak Pling tính toán, hướng dẫn các hộ dân khi làm nhà tại nơi ở mới phải đảm bảo diện tích nhà theo đúng tiêu chí nhà ở nông thôn mới.

Di dời các hộ dân về nơi ở mới là chủ trương kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, chấm dứt nỗi lo sợ kéo dài suốt 7 năm của người làng Brang, kể từ sau trận lở núi kinh hoàng hồi tháng 11-2009. Kể từ sau trận lở đá khủng khiếp hồi năm 2009, mình luôn lo sợ mỗi khi mùa mưa đến. Người làng Brang vẫn nói với nhau rằng, năm đó đất đá lăn ầm ầm từ trên đỉnh Kông H’Noi xuống nhưng may mắn không trúng nhà, trúng người là nhờ “Yàng đỡ”. Nhưng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu cứ sống dưới những tảng đá có thể lăn xuống núi bất cứ khi nào. Nhà mình lại nằm ngay dưới chân núi, suốt mùa mưa mình chỉ toàn ngủ rẫy, không dám ngủ ở nhà. Cả tháng nay tuy bận với công việc chuẩn bị di dời nhà cửa nhưng dân làng ai cũng phấn khởi cả”-anh Đinh Văn Sửu, một hộ dân trong diện di dời  thở phào khi nói về việc dời nhà.

 

Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Trung: “Trước mắt là việc nhanh chóng di dời toàn bộ 60 hộ dân về nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng trong mùa mữa lũ năm 2016. Giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ kéo đường điện, làm hệ thống nước sạch để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống”.

“Làng Brang có từ thời Pháp thuộc với chỉ chừng 15-20 nóc nhà. Sau những lần bắn phá của Pháp, làng di dời nhiều lần nhưng cũng chỉ quanh chân núi Kông H’Noi. Hơn nữa, với hơn chục nóc nhà, việc di dời chỗ ở khá đơn giản. Từ 1985 đến nay, làng ở ổn định cho tới bây giờ với một nửa làng ở ngang sườn núi, một nửa ở hẳn dưới chân núi. Năm 2002, có thêm 17 hộ làng Stang di dời từ đầu nguồn cách đó khoảng 5 km về nhập chung vào làng, nâng tổng số hộ cho đến nay là 102 hộ”-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đinh Văn Cư nhắc lại vài mốc thời gian đáng nhớ của ngôi làng có từ thời đánh Pháp này. Đây không phải lần dời làng đầu tiên, nhưng là lần dời làng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, chấm dứt 1/3 thế kỷ “cắm rễ” trên vách núi Kông H’Noi.

Nhìn những ngôi nhà sàn vững chãi nằm chan hòa giữa những bóng cây tỏa tán rộng mát ngang sườn núi đang được nhổ cọc, di dời, nhiều người làng Brang không tránh khỏi cảm xúc bùi ngùi. Bởi khi chọn vị trí đất để lập làng, những người hiền minh nhất của cộng đồng đã lựa chọn rất kỹ càng. Họ đã “cắm rễ” ở đây gần bằng “đời của một cái cây”. Chứng kiến cảnh di dời của ngôi làng Bahnar xanh mướt nơi sườn núi, bất giác tôi nhớ đến lời của một già làng: “Mất rừng thì chuyện gì cũng có thể xảy ra”. Vì thế mà trong niềm hân hoan cũng có đôi chút tiếc nuối, ngậm ngùi.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.