A dua theo trào lưu "Nói là làm": Hệ lụy khó lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng loạt các trào lưu như  “Nói là làm” (đủ like là làm), “Tha thu”, “Bố em hút rất nhiều thuốc”… đang trở thành xu hướng lôi cuốn một lượng  “tín đồ” không nhỏ thuộc giới trẻ a dua. Việc này đã, đang và sẽ để lại những hệ lụy khó lường nếu không có cách giải mã.

Vụ việc bé gái còn đang tuổi vị thành niên ở huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) chỉ vì sự non nớt trong suy nghĩ, a dua theo trào lưu giới trẻ, muốn thể hiện bản thân và thích “nổi tiếng” nên đã viết trên mạng xã hội: “Nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường” đã và đang gây xôn xao dư luận trong suốt những ngày qua. Điều đáng nói ở đây là, hành động đổ xăng đốt phòng y tế trong chính ngôi trường em đang học xảy ra khi em nhận được quá nhiều sự hối thúc, ép buộc thực hiện của bạn bè, lại có người “tình nguyện” đi mua xăng cho em đốt và khi hành động nguy hiểm này diễn ra, có quá nhiều bạn bè “cổ vũ”, tụ tập đến xem và đưa điện thoại lên chỉ để quay phim, chụp ảnh.

 

Huấn luyện kỹ năng băng bó vết thương cho thiếu nhi trong chương trình “Học làm người có ích”. Ảnh: P.L
Huấn luyện kỹ năng băng bó vết thương cho thiếu nhi trong chương trình “Học làm người có ích”. Ảnh: P.L

Trước đó, việc đổ xăng lên người tự thiêu cũng đã xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh sau khi chủ nhân của một facebook tuyên bố ngông cuồng trên trang cá nhân: “Đủ like sẽ tự đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt rồi nhảy cầu Tân Hóa. Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm…”. Và, chỉ sau hơn 1 ngày, lời thách thức đã nhận được 93.000 lượt thích (nhiều hơn 53.000 lượt thích). Chính vì thế người thanh niên này đã giữ đúng lời hứa “nói là làm”. Một vài thanh niên khác, lại adua theo trào lưu “nói là làm” ở những hành động cụ thể khác như nam thì mặc quần áo con gái đi ra ngoài đường, các cô gái thì không ngần ngại câu like bằng cách “đủ like thì khỏa thân chạy quanh trường đại học”, thậm chí có người còn đưa ra lời thách thức sẽ “ăn chất thải của chính mình” nếu đủ lượt like...

Trước tất cả những vụ việc trên, một lần nữa vai trò và sự phối hợp kịp thời giữa gia đình-nhà trường và xã hội lại được đưa lên bàn cân soi xét. Thiết nghĩ, để xảy ra những vụ việc như thế này thì trách nhiệm đầu tiên, chính yếu thuộc về gia đình, rồi sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Đây chính là hệ lụy nhìn thấy được của sự thiếu quan tâm sâu sát của các bậc phụ huynh đối với con em mình. Nếu như mỗi chúng ta biết quan tâm nhiều hơn đến tâm tư tình cảm, quan tâm thấu đáo hơn đến chuyện ăn ở, học hành, vui chơi giải trí… của các em thì có lẽ, rất nhiều những việc không tốt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các em, của gia đình cũng như của nhà trường và xã hội đã không diễn ra. Điều này có khó thực hiện không, xin thưa, không khó; nhưng nó lại tùy thuộc rất nhiều vào nếp suy nghĩ cũng như sự nhận thức của mỗi chúng ta.

 

Hình ảnh từ clip học sinh đốt trường gây xôn xao dư luận (Ảnh: Internet)
Hình ảnh từ clip học sinh đốt trường gây xôn xao dư luận (Ảnh: Internet)

Tại Gia Lai, mạng xã hội, nhất là facebook đã và đang “phủ sóng” tới từng mái nhà. Bởi vậy, không chỉ giới trẻ mới có sự quan tâm đến mọi trào lưu đã được nhắc tới ở trên. Theo tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, có khá đông các cô cậu học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường bậc THCS và THPT “thật sự để tâm”, cập nhật thường xuyên mọi diễn tiến xung quanh và thậm chí là cũng đã có những hành động “ăn theo” các trào lưu này. Việc ảnh hưởng sẽ là điều không tránh khỏi, tuy nhiên nó mới đang dừng lại ở cấp độ thấp, có thể phần nào tạm chấp nhận được nếu những hành động ấy được hiểu là “những trò vui, tếu táo của lứa tuổi nhất quỷ, nhì ma”. Đó là, việc đăng ảnh hay đăng status nói người like đầu tiên sẽ được người đăng dẫn đi ăn chè, ăn kem; hoặc nếu ảnh được một số lượt like, lượt comment, lượt share nhất định thì sẽ tiết lộ thông tin cá nhân (tên, tuổi, địa chỉ gia đình, số điện thoại, sở thích, tên người yêu…) hoặc sẽ tỏ tình với người mình thích rồi chụp màn hình điện thoại lại làm bằng chứng hoặc cover một bài hát đang nổi… Phổ biến hơn, đó là việc giới trẻ áp dụng nói theo những câu đang thịnh hành của các trào lưu đang được phổ biến ở rất nhiều hoàn cảnh và được cải biến linh hoạt như “Mình thích thì mình làm (ăn, mặc, nói, đọc,…) thôi”, “Cạn lời”, “Chúng ta không thuộc về nhau”, “Đưa nhau đi trốn”…

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng chúng ta chủ quan, bỏ qua việc tìm kiếm một cách ngăn ngừa giới trẻ (trong đó có cả con em, người thân của mỗi chúng ta) để tránh mất nhiều thời gian vào những trò tiêu khiển vô bổ và có thể là nguy hại khôn lường.

Thái Bình-Bảo Lam

Thầy Cao Xuân Hà-Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku):

Nhà trường đã quán triệt đến từng giáo viên chủ nhiệm phải có nhiệm vụ thường xuyên nhắc nhở các em học sinh sử dụng các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook một cách lành mạnh. Ngoài ra, chúng tôi còn giao Đoàn Thanh niên tổ chức các chương trình ngoại khóa, sinh hoạt định kỳ cho các em học sinh tự nói về lợi ích cũng như những mặt trái của mạng xã hội. Thực tế, đã có những vụ các em học sinh gây gổ với nhau chỉ vì mâu thuẫn trên facebook nên nhà trường không thể chủ quan đứng ngoài cuộc trong chuyện các em tham gia các trang mạng xã hội.


Luật sư Hoàng Hoa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội):

Theo quy định của pháp luật, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì sẽ áp dụng biện pháp “giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.Và biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội như sau: Theo quy định của pháp luật, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với cô bé đó là buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của tài sản bị cố tình gây hư hỏng hoặc hủy hoại. Nếu cô bé đó không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện. Nếu cô bé không có khả năng thực hiện thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay hoặc bị cưỡng chế thực hiện.


Ông Hoàng Cao Nguyên (tổ 1, phường Thống Nhất, TP. Pleiku):

Tôi nghĩ, muốn các con hạn chế việc tham gia các trang mạng xã hội thì trước hết bố mẹ phải làm gương. Nếu bố mẹ suốt ngày lướt facebook thì rõ ràng khó có thể yêu cầu con ngưng chơi được. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu liên lạc, bố mẹ chỉ nên cho con sử dụng những chiếc điện thoại có chức năng nghe, gọi, nhắn tin. Bố mẹ cũng nên dành nhiều thời gian gần gũi, tìm hiểu tâm tư của các con vì học sinh ở bậc học THCS đang có nhiều thay đổi về tâm-sinh lý, các cháu dễ bốc đồng, đôi khi không ý thức đúng về hành động của mình.


Em Hà Huy Khiêm (học sinh lớp 10A7, Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang):

Em tham gia chơi facebook cũng đã vài năm nay nhưng chủ yếu là để kết nối với những bạn bè ở xa hay phục vụ cho việc học tập. Em thấy facebook cũng có rất nhiều tiện ích, chủ yếu là mình phải biết chọn lọc. Việc nhiều bạn lên facebook chửi nhau, thách đố nhau làm việc này việc kia thật là vô nghĩa và thiếu văn hóa chơi facebook.


Em Nguyễn Lê Na (học sinh lớp 8/6, Trường THCS Tôn Đức Thắng, TP. Pleiku):

Em lên án việc bạn học sinh tưới xăng đốt trường dù cho bị bạn bè kích động, xúi giục hay dọa nạt. Khi rơi vào trường hợp đó, em nghĩ nên báo với người lớn để giúp mình giải quyết chứ không nên có những hành động làm ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình như vậy. Trong trường em cũng có rất nhiều bạn chơi facebook nhưng em thấy các bạn chơi rất lành mạnh, không tham gia những trào lưu xấu trên facebook.

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.