Tích cực đưa chợ Phù Đổng vào hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chợ tạm Phù Đổng hình thành khá lâu tại khu vực tổ 7, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, với 218 hộ kinh doanh thường xuyên và khoảng 30 hộ không thường xuyên. Quá trình hoạt động của chợ, cùng tình trạng bán hàng trên vỉa hè, lòng lề đường quanh khu vực chợ đã làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, trật tự và văn minh đô thị. Do vậy, UBND thành phố Pleiku đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành di dời chợ tạm vào chợ Phù Đổng mới.

Ông Nguyễn Kim Đại-Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku cho biết: “Việc giải tỏa khu chợ tạm và đưa chợ Phù Đổng mới vào hoạt động nhằm góp phần thực hiện quy hoạch mạng lưới chợ đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời gắn với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hệ thống chợ trên địa bàn, từng bước dẹp bỏ các chợ “cóc”, sạp buôn bán tự phát gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị...”.

 

Các quầy sạp tại tầng 1 chợ Phù Đổng. Ảnh: T.N
Các quầy sạp tại tầng 1 chợ Phù Đổng. Ảnh: T.N

Từ quý II-2016 đến nay, UBND thành phố Pleiku đã tập trung chỉ đạo các bước chuẩn bị và triển khai việc di dời hoạt động chợ tạm vào chợ Phù Đổng mới. Ông Lê Huy Phong-Trưởng ban Quản lý chợ cho biết: “Sau khi chuyển đổi công năng sử dụng từ công trình Trung tâm Thương mại Hội Phú thành chợ Phù Đổng, cơ sở hạ tầng của chợ đã được cải tạo, bổ sung thêm một số hạng mục như: hệ thống thoát nước thải, nhà để xe, khung sắt hoa bảo vệ, hệ thống thông gió... Tổng diện tích mặt bằng kinh doanh của chợ hơn 1.875 m2. Vị trí, quy mô và hệ thống hạ tầng chợ Phù Đổng cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán của các hộ hiện đang kinh doanh tại chợ tạm và các hộ kinh doanh mới có nhu cầu...”.

Để chuẩn bị cho việc di dời chợ tạm, Ban Quản lý chợ đã tích cực phối hợp với UBND phường Phù Đổng tăng cường công tác tuyên truyền vận động để các hộ kinh doanh nắm được chủ trương của thành phố trong việc di dời vào chợ mới. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành phương án phân lô cho thuê mặt bằng tại chợ Phù Đổng và kế hoạch triển khai di dời chợ tạm. Đặc biệt, thành phố đã tạo điều kiện không đấu giá thuê mặt bằng đối với các hộ đang kinh doanh ở chợ cũ vào chợ mới. Đồng thời, Ban Quản lý chợ đã phân lô kẻ vạch trên mặt bằng thực địa, được UBND thành phố phê duyệt, tổng số 284 lô, với diện tích bố trí theo nhóm ngành hàng kinh doanh. Trong đó, khu vực tầng 1 gồm 196 lô để xây dựng quầy sạp, khu vực tầng 2 gồm 88 lô để lắp đặt ki ốt.

 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

Ủy ban nhân dân phường Phù Đổng phối hợp với Ban Quản lý chợ, cùng với các ngành chức năng của thành phố tổ chức họp với các hộ tiểu thương kinh doanh tại khu vực chợ cũ, thông báo công khai, niêm yết về phương án bố trí mặt bằng, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh, để các hộ nắm vững thực hiện. Những kiến nghị của các hộ cũng đã được giải thích tại cuộc họp, các hộ đã đồng thuận việc di chuyển từ chợ cũ sang chợ mới để kinh doanh. Ban Quản lý chợ phối hợp với UBND phường Phù Đổng tổ chức cho hộ kinh doanh tại chợ tạm bốc thăm lô vào chợ mới. Giá thuê mặt bằng đã được UBND thành phố phê duyệt theo vị trí và ngành hàng kinh doanh: Tầng 1 từ gần 12 triệu đồng đến 25 triệu đồng (nộp 1 lần) để thuê 1 lô trong thời gian 5 năm; tầng 2 từ 33 triệu đồng đến 39 triệu đồng/5 năm. Đến nay đã có 214 hộ tham gia bốc thăm và đã nộp tiền thuê mặt bằng (tầng 1 là 175 lô và tầng 2 là 39 lô). Từ trung tuần tháng 6-2016, các hộ đã thống nhất việc Ban Quản lý chợ giao mặt bằng để các hộ chủ động xây dựng, lắp đặt quầy sạp, ki ốt theo thiết kế mẫu và nhu cầu sử dụng, kinh doanh từng hộ theo ngành hàng.

Đến nay khu vực tầng 1 có 175 hộ hoàn thành làm quầy sạp và đã vào kinh doanh. Khu vực tầng 2 có gần 20 hộ lắp đặt ki ốt và chuẩn bị bước vào hoạt động. Trao đổi với P.V, anh Lê Văn Hiệp-chủ hàng kinh doanh giày dép “Bé Tý” tại tầng 2 cho biết: “Chúng tôi bán hàng ở chợ tạm đã gần 10 năm. Nay vào chợ mới, được thuê mặt bằng gần 37 triệu đồng/5 năm là phù hợp. Ban Quản lý còn quan tâm trong quá trình làm các thủ tục để vào kinh doanh. Mặt bằng chợ thoáng, sạch sẽ, an ninh trật tự đảm bảo”.

 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyến-một tiểu thương bán hàng gia vị ở tầng 1 chia sẻ: “Bà con rất phấn khởi khi vào chợ mới. Tuy nhiên, chúng tôi mong Ban Quản lý chợ cho phép các hộ liền kề linh hoạt hoán chuyển vị trí lô cho nhau, để thuận lợi và phù hợp hơn cho việc bán hàng”. Ngoài ra, nhiều tiểu thương ở tầng 1 có cùng đề nghị: “Chính quyền địa phương và Ban Quản lý chợ cần kiên quyết trong việc quản lý trật tự trong khu vực chợ và ở các mặt đường vào chợ, tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lối đi để bày hàng bán tự do, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các tiểu thương trong chợ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và mỹ quan chung tại địa bàn hoạt động của chợ”.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.