Ấn tượng màu áo xanh tình nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn nửa tháng nay, không khí ở làng Đê Bơtưk (xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) trở nên náo nhiệt bởi sự xuất hiện của 30 sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Mùa hè xanh năm 2016 do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Hình ảnh những chiếc áo xanh tình nguyện ướt đẫm mồ hôi để khơi thông kênh mương, trồng cây xanh, dạy học cho trẻ nhỏ… đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân địa phương.

Những việc làm ý nghĩa

Những ngày tháng 7, thời tiết ở Đê Bơtưk mưa nắng thất thường, có lúc nắng nóng lên đến 37 độ C, nhưng không vì thế mà ngăn cản được bước chân của các sinh viên tình nguyện. Ngay từ sáng sớm, sau tiếng còi tập trung của đội trưởng, các tình nguyện viên được phân chia làm các công việc khác nhau, trong đó có việc khơi thông dòng chảy kênh mương tại khu ruộng nước của làng. Con kênh dài hơn 1 km cung cấp nước cho ruộng lúa của làng đã được xây dựng từ khá lâu, đang bị cỏ dại, cây cối che lấp, nước không chảy được, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân. Dưới cái nắng gay gắt, các tình nguyện viên cần mẫn cầm dao, rựa, cuốc cố gắng hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất. Bạn Đoàn Thị Như Hoa (sinh viên năm nhất Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Mùa hè xanh. Dù chưa từng làm những công việc này nhưng được hòa chung vào hoạt động tập thể, giúp ích cho bà con địa phương khiến tôi quên hết mệt mỏi và cảm thấy tự hào về việc làm ý nghĩa của mình”.

 

Các sinh viên tình nguyện tham gia phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy. Ảnh: P.L
Các sinh viên tình nguyện tham gia phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy. Ảnh: P.L

Cùng thời điểm này, ở một góc làng Đê Bơtưk, gần 30 em học sinh độ tuổi từ 6 đến 14 đang được những “giáo viên” trong màu áo xanh tình nguyện kiên trì dạy các phép tính, cách đọc từng con chữ. Ngoài những buổi ôn luyện kiến thức, các sinh viên tình nguyện còn tổ chức nhiều trò chơi bổ ích, hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trong mùa hè cho các em. Sự nhiệt tình, thân thiện, hòa đồng của các sinh viên tình nguyện đã xóa nhòa khoảng cách, tạo nên sự gần gũi, tự tin, mạnh dạn cho các em nhỏ nơi đây.

Theo kế hoạch, các sinh viên tình nguyện còn tổ chức đào hố rác tại các giọt nước của làng; gom rác, thu dọn vệ sinh dọc các trục đường chính; vận động thanh niên không uống rượu; làm sân bóng chuyền để bà con luyện tập thể thao; trồng vườn rau thanh niên; giao lưu với đoàn viên, thanh niên tại chỗ; tuyên truyền, vận động bà con cách phòng bệnh cũng như ăn ở hợp vệ sinh… Lượng công việc khá nhiều nhưng bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết, các sinh viên tình nguyện đã nỗ lực hoàn thành. Chị Thoan (người dân làng Đê Bơtưk) chia sẻ: Mấy ngày nay, các sinh viên tình nguyện về ở với làng, bà con ai cũng vui vẻ hẳn lên. Các sinh viên giúp bà con nhiều công việc, còn dạy bọn trẻ học chữ, bà con biết ơn lắm.

Sợi dây gắn kết yêu thương

Trong những ngày cùng ăn, cùng ở và cùng làm với người dân, các sinh viên tình nguyện đã cảm nhận được cuộc sống khó khăn, vất vả và sự chân tình, gắn bó của bà con địa phương. Họ còn nghèo nhưng vẫn tặng các tình nguyện viên bó rau nhà, con cá, ít trái cây rừng kiếm được… Những cử chỉ ân tình của người dân địa phương khiến các sinh viên tình nguyện hết sức cảm động. Bạn Lương Phan Bá Khỏe (Đội trưởng Đội Mùa hè xanh) cho biết: “Những ngày gắn bó với người dân và các em nhỏ trong làng, chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm của người dân địa phương. Ở đây, chúng tôi còn được hiểu biết thêm về phong tục, tập quán của người dân. Đây chính là những kiến thức hết sức bổ ích cho chúng tôi”. Còn bạn Lê Đỗ Thanh Liêm (sinh viên năm 4 Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Mình đã có 4 năm tham gia mùa hè tình nguyện. Đến với mỗi vùng đất, mình lại có thêm những kỹ năng, kiến thức thực tế hết sức bổ ích. Từ một người chưa bao giờ làm việc nhà, giờ mình đã hoàn toàn thay đổi, trở thành một con người khác, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn.  

Chuyến tình nguyện trở nên thú vị và ý nghĩa hơn khi các tình nguyện viên phải thay nhau làm nhiệm vụ “anh nuôi”. Đã quen với nấu bếp gas, giờ phải hì hục kiếm củi, nhóm lửa, thổi cơm cho 30 người khiến nhiệm vụ này trở nên khó khăn. Có những ngày, nồi cơm “trên sống dưới khê”, món ăn lúc mặn lúc nhạt, thế nhưng bữa cơm tập thể ấy luôn tràn ngập niềm vui và tiếng cười rộn rã. Sau mỗi bữa cơm, các bạn sinh viên lại quây quần bên nhau để đánh giá công việc vừa thực hiện, đồng thời, phân công và triển khai công việc mới cho từng thành viên.  

Với chương trình Mùa hè xanh tại làng Đê Bơtưk, cùng chung tay làm những phần việc thiết thực cho bà con, các sinh viên tình nguyện đã trở nên gắn kết với nhau hơn và xem nhau như là người thân trong gia đình để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Chặng đường tình nguyện phía trước còn dài nhưng những câu hát: “Dù lên rừng hay xuống biển/Vượt bão giông vượt gian khổ/Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi/...” luôn vang lên mỗi lúc mệt mỏi sẽ là động lực thôi thúc các sinh viên tình nguyện nỗ lực cống hiến hết mình.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.