Thủ tướng nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị G7 mở rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hành động bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn và tăng cường quân sự hoá đe dọa ổn định khu vực, trong bài phát biểu tại hội nghị G7 mở rộng ở Nhật.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ ba từ trái sang) tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ ba từ trái sang) tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

"Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở vùng Ise Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng cho rằng an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực. Các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh các nước G7 đã có "tiếng nói mạnh mẽ", ủng hộ nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực.

Thủ tướng mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Chuyến thăm Nhật Bản lần này là chuyến đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị là người đứng đầu chính phủ Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng với tư cách khách mời.

Hội nghị gồm hai phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hợp tác với châu Phi.

Cùng lãnh đạo các nước G7, Liên minh châu Âu (EU), các khách mời còn có đại diện của Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea và Chad. Các tổ chức quốc tế gồm Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.