Hỗ trợ khôi phục sản xuất và đời sống người dân sau hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nối tiếp chương trình công tác các tỉnh Tây Nguyên, ngày 18-5, sau khi rời tỉnh Đak Lak,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Cao Đức Phát đã đến làm việc tại Gia Lai để nắm bắt tình hình triển khai công tác phòng-chống hạn, hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại và chỉ đạo sản xuất trong thời gian tới.

Ngay khi vừa đến địa phận Gia Lai, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên; Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Trương Phước Anh và lãnh đạo huyện Chư Pưh đã đến thị sát tình hình hạn hán tại 2 xã Ia Blứ và Ia Phang thuộc huyện Chư Pưh. Chứng kiến những vườn cà phê, hồ tiêu các gia đình thôn Thiên An (xã Ia BLứ), thôn Plei Thơ Ngueng (xã Ia Phang) khô héo, xác xơ vì nắng hạn và dù đã có vài cơn mưa nhưng không thể phục hồi, Bộ trưởng không tránh khỏi đau lòng.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát thị sát tiêu chết thôn Thiên An, xã Ia Blứ. Ảnh: T.S
Bộ trưởng Cao Đức Phát thị sát tại thôn Thiên An, xã Ia Blứ. Ảnh: T.S

Tại các khu vực đến thăm, Bộ trưởng đã dừng lại khá lâu để chuyện trò với bà con, xác định mức độ thiệt hại, phân tích làm rõ tác động ảnh hưởng của thời tiết đến cây trồng, các giải pháp khắc phục trong ngắn và dài hạn, đặc biệt là với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; trong đó có cả việc tái canh trồng mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, cách thức phương pháp chăm sóc từng loại cây trồng bị hạn với các mức độ khác nhau sau khi đã có mưa…

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp-PTNT Gia Lai, vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn tỉnh gieo trồng 64 ngàn ha cây trồng các loại. Đến nay, toàn tỉnh có 11.352 ha cây trồng bị hạn, cùng với gần 2 ngàn hộ dân các huyện Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Pah bị thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Riêng với huyện Chư Pưh, hạn hán làm thiệt hại 1.043 ha/1.412 ha cây trồng. Trong đó lúa nước:  448 ha, hồ tiêu: 348 ha, cà phê: 248 ha, cao su: 20 ha, tổng giá trị thiệt hại là 175,3 tỷ đồng. Ngoài ra, hạn hán còn làm 2.149 hộ, 26 trường học thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Hạn hán khiến cho nhiều hộ dân, nhất là hộ đồng bào DTTS rơi vào tình cảnh thiếu ăn, thiếu nước uống, chịu nhiều áp lực,… Từ ngân sách huyện, xã, đóng góp của doanh nghiệp, MTTQ Việt Nam tỉnh, 3,590 tỷ đồng đã được hỗ trợ cho người dân vùng bị hạn.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân, Bộ trưởng cho rằng hạn hán quá khốc liệt, ảnh hưởng rất lớn đời sống và sản xuất của người dân nhiều tỉnh, trong đó có Gia Lai. Bộ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn lực, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên hậu quả do hạn hán gây ra còn ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất và đời sống người dân, vì vậy, sau khi trời có mưa, nhiệm vụ hỗ trợ khôi phục sản xuất là rất quan trọng. Lúc này, cùng với việc vận động nhân dân thực hiện nghĩa vụ của cử tri đi bầu cử đông đủ còn phải tập trung chăm lo khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

 

Bộ trưởng hỏi thăm tình hình nước sinh hoạt hộ Ksor H'Let thôn plei Thơ Ngueng,  xã Ia Phang. Ảnh: T.S
Bộ trưởng hỏi thăm tình hình nước sinh hoạt hộ Ksor H'Let thôn Plei Thơ Ngueng, xã Ia Phang. Ảnh: T.S

Cũng với nội dung này, sau khi thực tế tìm hiểu tình hình tại huyện Chư Pưh, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã dành thời gian làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Bộ trưởng cho biết chuyến công tác lần này là nhằm tìm hiểu tình hình các khu vực bị hạn sau khi đã xuất hiện mưa, yêu cầu của các địa phương để tham mưu cho Chính phủ có những chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời. Hạn vẫn còn và chống hạn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong lúc này của các địa phương. Sau đây, Gia Lai cần tập trung triển khai công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất sau hạn, triển khai sản xuất vụ mùa thắng lợi để bù đắp thiệt hại, chú trọng đến phương thức canh tác và phục hồi diện tích cây trồng, nhất là những diện tích cây công nghiệp còn khả năng phục hồi và phát triển.

Diễn biến bất lợi của thời tiết buộc phải có những điều chỉnh, bổ sung trong định hướng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy về lâu dài để đảm bảo sản xuất Gia Lai nói riêng nhất thiết phải rà soát xây dựng quy hoạch phù hợp, đảm bảo nguồn nước tưới. Tiếp tục triển khai các giải pháp đang triển khai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp ưu tiên hàng đầu; tiết kiệm nước là yêu cầu thường xuyên, đi đôi thực hiện tái canh trồng mới. Cần thiết xây dựng các hồ chứa, công trình thủy lợi lớn đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Khuyến khích áp dụng và nhân rộng phương pháp tưới tiết kiệm nước.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.