Giáo viên mầm non bị chậm lương vì trường không có kinh phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do không được cấp nguồn kinh phí để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng ở các lớp 3-4 tuổi, Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) phải dùng nguồn chi thường xuyên để trả lương cho giáo viên. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu nên nhà trường buộc phải nợ lại lương của giáo viên hợp đồng…
 

từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, trường luôn trong tình trạng chậm lương, nợ lương 9 giáo viên hợp đồng và các nhân viên do không có nguồn kinh phí để chi trả.
Từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) luôn trong tình trạng chậm lương, nợ lương (ảnh minh họa)

Trường Mẫu giáo Hoa Sen hiện có 10 lớp với 230 học sinh, trong đó có 1 lớp 3 tuổi (hơn 30 cháu), 2 lớp 4 tuổi (gần 80 cháu) và 7 lớp 5 tuổi (gần 120 cháu). Do địa bàn xã rộng, địa hình phức tạp, trường đã mở thêm 6 điểm trường tại các thôn, làng để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa con em đến trường. Ngoài 7 giáo viên được biên chế, Ban Giám hiệu nhà trường đã ký thêm hợp đồng với 9 giáo viên (đều đạt chuẩn về trình độ) và nhân viên cấp dưỡng (lớp bán trú), nhân viên y tế để phục vụ công tác giảng dạy và chăm sóc cho học sinh các lớp 3-4 tuổi. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, trường luôn trong tình trạng chậm lương, nợ lương 9 giáo viên hợp đồng và các nhân viên do không có nguồn kinh phí để chi trả.

Cô Nguyễn Thị Huê-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, cho biết: “Thời gian qua, chỉ có các giáo viên nằm trong biên chế dạy ở các lớp 5 tuổi mới được trả lương, còn lại các giáo viên lớp 3-4 tuổi và nhân viên thì không được cấp nguồn kinh phí để chi trả. Ban Giám hiệu nhà trường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin kinh phí nhưng vẫn chưa được đáp ứng nên vẫn phải nợ lương của giáo viên 2 tháng nay. Với việc có đến 72% học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhà trường không thể kêu gọi xã hội hóa được. Chính vì vậy, thời gian qua nhà trường phải dùng nguồn kinh phí chi thường xuyên để trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng với mức bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Nhưng do nguồn kinh phí eo hẹp, chừng đó vẫn không thể nào đủ được…”. Cũng theo lời cô Huê, vì ngân quỹ của nhà trường đã cạn, nên thời gian qua các hoạt động như: chi trả tiền tăng giờ cho giáo viên, tập huấn chuyên môn, tiền chi trả điện sáng, văn phòng phẩm, sửa chữa cơ bản, hoạt động ngoại khóa cho học sinh… đã không thể thực hiện.

Ngoài ra, dù ở các điểm trường được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hoàn chỉnh nhưng ở 3 điểm trường làng Đồn 2, Đồn 3, Đồn 4 vẫn chưa có điện thắp sáng và nước sinh hoạt. Điều này dẫn đến công tác giảng dạy của giáo viên và việc vệ sinh cá nhân cho các cháu gặp khó. Chính vì vậy, nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng vào làm việc tại trường chỉ được một thời gian ngắn rồi xin ngưng hợp đồng để đi tìm công việc mới khiến nhà trường luôn trong tình trạng thiếu hụt giáo viên đứng lớp, nhất là ở các điểm trường.

Bà Nguyễn Thị Hoa-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Phú Thiện cho biết: “Vấn đề này chúng tôi đã nhận được kiến nghị của Trường Mầm non Hoa Sen. Quả thật, điều kiện của người dân ở xã Chư A Thai đang gặp rất nhiều khó khăn, không thể kêu gọi xã hội hóa như những vùng thuận lợi được. Điều này khiến chúng tôi rất trăn trở và đang  đề xuất lên UBND huyện Phú Thiện xin hỗ trợ nguồn kinh phí trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng để các cô yên tâm công tác…”.

 Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.