Gia Lai: Rừng Đak Đoa bị xâm hại nặng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những cánh rừng thuộc đất rừng phòng hộ Đak Đoa trên địa bàn các xã Hải Yang, Đak Sơmei, Hà Đông (Đak Đoa) đang bị người dân chặt, đốt trơ trọi nhan nhản khắp nơi.

Trong số 18.000 ha đất rừng thuộc quyền kiểm soát từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa đang quản lý, thì không biết đã có bao nhiêu diện tích được cho là bị xâm lấn, mất rừng. Theo ghi nhận của phóng viên, diện tích rừng đang bị triệt hạ, đốt cháy là không hề nhỏ.

 

Rừng bị chặt phá nhưng cơ quan chức năng cho là rẫy của dân. Ảnh: N.G
Rừng bị chặt phá nhưng cơ quan chức năng cho là rẫy của dân. Ảnh: N.G

Thiếu rẫy... phá rừng

Như Báo Gia Lai 2-2012 phản ánh “Rừng phòng hộ Đak Đoa bị tàn phá”. Ngay sau sự việc này được phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo địa phương và ngành chức năng kiên quyết xử lý. Theo đó, có nhiều đối tượng bị bắt giữ khi đang phá rừng bằng cưa máy và bị xử phạt tù. Việc này đã tác động phần nào đến nhận thức của người dân trên địa bàn các xã Đak Sơmei, Hà Đông.

Tuy nhiên, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Với lý do, đất của cha mẹ mình để lại? Hàng trăm hộ dân sinh sống tại 2 xã này mạnh ai nấy vào rừng tìm những vị trí đắc địa để chặt hạ cây rừng. Chờ khô rồi đốt cháy trơ trọi, biến những cánh rừng xanh tốt nơi đây thành rẫy mì, rẫy lúa. Các khoảnh rừng bị người dân xâu xé thành từng mảng lớn nhỏ. Màu xanh của diện tích cây rừng tại khu vực này còn lại không đáng là bao và chủ yếu nằm ở những con dốc cao, vực sâu nên chưa bị người dân chạm đến.

Trong các ngày 9 và 10-5, trên tuyến đường từ ngã 3 Đak Sơmei vào trung tâm xã Hà Đông dài chừng 8 cây số, thì phần lớn diện tích rừng nằm sâu 2 bên đường đã bị người dân chặt phá gần hết. Thậm chí, những cây gỗ đường kính to bằng bắp chân người lớn, bị họ bỏ lại rẫy. Còn nhiều đám cây rừng bị đốt cháy thành cụm chết khô trước khi biến những đám rừng này thành than, tro bổ sung chất cho vụ lúa, vụ mì khi mùa mưa đến gần.

 

Đất rừng tại xã Hà Đông bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy. Ảnh: N.G
Đất rừng tại xã Hà Đông bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy. Ảnh: N.G

Chuyện chặt phá rừng làm nương rẫy tại khu vực rừng thuộc xã Đak Sơmei, Hà Đông như trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Nhìn những tán rừng xanh tốt ở cận đường mà xót cho hàng trăm ha rừng đã và đang bị người dân tàn phá, đốt cháy phục vụ cho nhu cầu sản xuất, canh tác nương rẫy.

Qua tìm hiểu, toàn bộ diện tích đất rừng nằm trên địa phận xã Hà Đông được giao cho 4 đơn vị quản lý gồm UBND xã, kiểm lâm huyện, kiểm lâm rừng Quốc gia Kon Ka Kinh và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa. Theo đó, các đơn vị được cho là thường xuyên túc trực để xử lý, nhắc nhở, bắt giữ những người xâm hại đến rừng.

Việc quản lý, phối hợp là thế nào thì chưa rõ, tuy nhiên, những cánh rừng nơi đây đã và đang từng ngày bị triệt hạ không hề thương tiếc.

Rừng bị phá là rẫy cũ?

Để tìm hiểu rõ hơn về công tác phối hợp, quản lý, cũng như trách nhiệm từ các cơ quan được phân công thì phóng viên chỉ nhận được lời hứa sẽ gặp sau qua trao đổi điện thoại, hay những lời nói “lòng vòng” phủ trách nhiệm.

 

Cây rừng bị người dân chặt hạ thuộc xã Hà Đông. Ảnh: N.G
Cây rừng bị người dân chặt hạ thuộc xã Hà Đông năm 2012. Ảnh: N.G

Khi đến Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa vào 10-5, thì nhân viên cho là lãnh đạo không có ở cơ quan. Qua liên lạc điện thoại, phóng viên nhận được câu trả lời từ ông Nguyễn Hữu Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa: Tôi đi công việc ở Gia Lai, tối chiều mới xuống được, hiện không có ai, sẽ gặp để nói sau.

Từ phía đơn vị trực tiếp quản lý rừng tại khu vực đang bị người dân chặt phá là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa thì được chính lãnh đạo đơn vị này đinh ninh cho rằng: Toàn bộ diện tích rừng mà phóng viên ghi nhận là rẫy cũ của dân, sau nhiều năm bỏ để làm rẫy nơi khác thì đất tự phục hồi, cây rừng tự mọc lại và bị người dân đốt nương làm rẫy chứ không phải rừng bị phá mới?

Khi đưa ra những hình ảnh về những cây rừng khá lớn bị chặt phá la liệt nằm khắp nơi trong khu vực rừng tại xã Hà Đông, có khu vực chúng tôi còn nghe được tiếng động cơ của máy cưa xăng vọng ra từ khu vực rừng sâu.

Giải thích với phóng viên về sự việc ghi nhận, ông Hoàng Thi Thơ-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa khẳng định: Tôi sống đã nhiều năm tại đây, rừng mà dân đốt, chặt là rẫy của dân. Chúng tôi đã nhắc nhở, xử lý nên người dân đã nhận thức tốt hơn, còn việc lấn chiếm đất rừng là vẫn diễn ra nhưng diện tích không đáng kể. Khối lượng rừng tại khu vực bị phá cũng không đủ để xử lý.

 

Rừng cây sao bị chặt hạ thuộc xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: N.G
Rừng cây sao bị chặt hạ thuộc xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: N.G

Toàn bộ diện tích tại khu vực xã Hà Đông đang được người dân sử dụng và cả những trụ sở như trường học, UBND xã đều thuộc đất lâm nghiệp. Đây là bất cập tồn tại từ lâu nay, ngoài ra, dân cư tại đây liên tục phát triển, thiếu đất sản xuất và không có nơi để sản xuất thì rừng bị xâm chiếm và không thể quản lý hết-ông Thơ cho biết thêm.

Các khoảnh rừng rừng bị dân xâm chiếm được ông Thơ cho biết thuộc các tiểu khu 406, 407, 410. Khi phóng viên đưa thêm các hình ảnh chứng minh đã có rất nhiều diện tích rừng bị phá mới thì vị Trưởng ban mới tiết lộ thêm đó là tiểu khu 402, 404. Chuyện ậm ờ trong công tác quản lý này phải chăng đang có vấn đề? và diện tích rừng bị phá liệu có dừng lại ở con số này?. Cụ thể diện tích rừng bị phá đang diễn biến tường tận thế nào chỉ có người trong cuộc mới biết rõ?

Liên quan đến công tác quản lý rừng trên địa bàn xã, ông Chiên-Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết: Xã có diện tích rừng lớn, riêng xã được phân công phụ trách 2.000 ha và được giao khoán toàn bộ cho các hộ dân. Vừa qua, việc người dân lấn chiếm rừng làm rẫy không có. Các khu vực dân đốt rẫy, chặt hạ cây là rẫy cũ, có hộ lấn chiếm nhưng không nhiều do không làm đường ranh cản lửa?.  
 
Liên quan khu vực rừng đang bị người dân xâm lấn thuộc quyền Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa. Theo ghi nhận, thời gian qua, tại tại tiểu khu 456 thuộc địa phận thôn 1, xã Hải Yang, Đak Đoa, hoạt động xâm lấn đất rừng tại đây diễn ra công khai mà không hề lo sợ chủ rừng bắt, xử lý. Theo đó, những lán trại tạm được dựng lên để làm nơi tá túc lúc nắng mưa phục vụ cho việc chặt, dọn, cuốc xới và canh tác dù có hay không sự có mặt của người lạ.

Cũng thuộc tiểu khu 456, tại thôn 4 việc chặt phá nghiêm trọng hơn. Đất đai bị xâm lấn cuốc xới nham nhở, người dân thì vô tư đào mương phân lô tranh phần như đất rừng này thuộc riêng mình. Hàng trăm cây sao đen được trồng từ năm 1992 (đường kính từ 20 cm - 30 cm) đã bị người dân cưa sát gốc nằm ngã rạp và sẽ biến thành rẫy bất cứ lúc nào. Chưa kể, những cây thông cao chót vót nằm ngay bìa rừng có độ tuổi trên 30 năm cũng bị người dân rốc vỏ, cho cây tự chết dần để nới rộng diện tích đất đã sở hữu trước đó như chuyện đã và đang diễn ra tại xã Đak Jrăng, Mang Yang đã được báo chí phản ánh.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.