Khởi động công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa đầy 3 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chính thức bắt đầu. Đến thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum cũng đã bước vào giai đoạn ôn thi, hệ thống kiến thức cho học sinh. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi của Sở Giáo dục-Đào tạo cũng như của trường đại học chủ trì cụm thi số 29 tại TP. Pleiku đang được chuẩn bị ráo riết.

Vẫn còn những băn khoăn
 

 Công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến quy chế của kỳ thi THPT quốc gia 2015 được đặc biệt chú trọng. Ảnh: Quang Thái
Công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến quy chế của kỳ thi THPT quốc gia 2015 được đặc biệt chú trọng. Ảnh: Quang Thái

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 với nhiều điểm đổi mới trong quy chế thi và tuyển sinh đã được triển khai nhanh chóng, sâu rộng đến đông đảo học sinh lớp 12 ở khắp các trường THPT. Mặc dù vậy vẫn còn một vài nỗi niềm lo lắng, băn khoăn không chỉ của học sinh mà của cả các bậc phụ huynh.

Hiện đang theo học năm nhất Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhưng em Lưu Thị Lan (SN 1996, TP. Pleiku) vẫn muốn tiếp tục thử sức mình ở kỳ thi năm nay. Lan chia sẻ: “Năm nay quy chế thi đổi mới quá nhiều, đặc biệt thi “2 trong 1” nên lúc đầu em cũng khá bỡ ngỡ trong cách làm hồ sơ thi tuyển. Ngoài ra, những thí sinh tự do như em cảm thấy lo lắng vì không biết nên giới hạn kiến thức như thế nào để ôn tập”. Bên cạnh đó, mặc dù không phải di chuyển đến địa điểm quá xa nhưng các thí sinh ở các huyện, thị xã vẫn cảm thấy băn khoăn về nơi ăn, chốn ở khi “khăn gói” lên TP. Pleiku để dự thi. Em Nguyễn Văn Việt (lớp 12A2, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Chư Prông) cho hay: “Em cảm thấy khá lo lắng về việc tìm chỗ ở trọ trong suốt kỳ thi khi mà học sinh ở tỉnh Kon Tum và các huyện trong tỉnh cùng đổ về”.

Không chỉ vậy, cách thức xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp cũng khiến nhiều thí sinh thắc mắc. Thầy Cao Xuân Hà-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) cho biết: “Nhiều em học sinh vẫn thắc mắc ở chỗ sau khi nộp nguyện vọng 1, trong thời gian chờ kết quả của trường, các em vẫn có quyền rút lại nếu cảm thấy không có khả năng đậu. Vậy cách thức rút hồ sơ xét tuyển này như thế nào, phải vào tận trường hay làm đơn gửi qua đường bưu điện, vấn đề này ngay cả nhà trường cũng chưa nắm rõ để giải thích thỏa đáng cho các em”. Ngoài ra, thầy Hà cũng chia sẻ thêm, bộ đề thi minh họa do Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố vừa qua sẽ dễ dàng để các em đạt điểm trung bình, nhưng khó để các em chỉ thi để xét tốt nghiệp đạt điểm cao ở các môn trắc nghiệm bởi các câu hỏi khó, dễ được trộn lẫn với nhau, sẽ gây mất thời gian nếu các em không lựa chọn được.

 

Ảnh: Phương Linh
Ảnh: Phương Linh

Trước những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều bậc phụ huynh cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ, băn khoăn. Chị Lê Thị Anh (45 tuổi, đường Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku) chia sẻ: “Với kỳ thi năm nay, tôi không biết các cháu sẽ phải học ôn như thế nào, chương trình giới hạn ra sao. Hơn nữa, là năm đầu tiên thí điểm nên tôi cũng như các cháu khá lo lắng về cách xét tuyển vào đại học, vẫn biết là khả năng đậu đại học cao hơn nhưng để vào được các trường chất lượng cao cũng rất khó khăn”.

Học sinh Kon Tum đã sẵn sàng

Đối với tỉnh Kon Tum, các em học sinh sẽ tham gia ở 2 cụm thi gồm cụm thi liên tỉnh được tổ chức tại Gia Lai và cụm thi địa phương. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được các ban ngành gấp rút triển khai, tất cả đã sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 đạt chất lượng cao nhất.

Năm nay, tỉnh Kon Tum có trên 3.500 học sinh thuộc 26 cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã đăng ký dự thi. Trong đó, số học sinh dự thi tại tỉnh để xét tốt nghiệp chiếm 30%, còn lại 70% học sinh đăng ký dự thi tại cụm thi số 29 (gồm tỉnh Gia Lai và Kon Tum) để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Em Trần Ngọc Trí-lớp 12A1, Trường THPT Kon Tum tự tin cho biết: “Qua các đợt tư vấn tuyển sinh em đã nắm vững các quy chế thi tốt nghiệp cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015. Những khúc mắc như việc sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; một lúc được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng, bao nhiêu ngành nghề trong cùng một trường đều được các chuyên gia tư vấn giải đáp kỹ”.

 

Các thí sinh cảm thấy yên tâm trước những sự thay đổi của kỳ thi năm nay.
Các thí sinh cảm thấy yên tâm trước những sự thay đổi của kỳ thi năm nay.
Ảnh: Phương Linh

Còn em Y Hiêng, học sinh Trường Dân tộc Nội trú huyện Tu Mơ Rông lựa chọn cụm thi địa phương chia sẻ: “Dựa vào năng lực học cùng sự tư vấn của các thầy-cô giáo, năm nay em chỉ đặt chỉ tiêu đủ điểm để xét đậu tốt nghiệp trước đã. Sau này có nguyện vọng đi học cao đẳng thì em sẽ tập trung ôn thi và đăng ký thi vào năm sau”.

Đối với các thí sinh tự do đến thời điểm này đã có khoảng hơn 900 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, có khoảng 300 em đăng ký ở cụm thi địa phương. Đối với số lượng thí sinh tự do, các thủ tục đăng ký, làm hồ sơ dự thi cũng đã được ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh Kon Tum hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là đối với các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp xúc với các đợt tư vấn tuyển sinh. Em Tô Thị Thanh Mai (thị trấn Đak Glei, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Qua các thầy cô ở Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, em được hướng dẫn các bước đăng ký, làm hồ sơ thi THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, em phải đăng ký cụm thi liên tỉnh tại Gia Lai để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Nếu như năm trước, việc đi thi ở Quy Nhơn khiến tâm lý em căng thẳng thì năm nay được thi gần khiến em bớt lo lắng hơn”.

Phương Linh-Quang Thái

Ngay sau khi Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố quy chế chính thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Sở Giáo dục-Đào tạo 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã nhanh chóng tiến hành chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn chuẩn bị tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cũng như hướng dẫn cách ôn tập, làm bài; cách làm hồ sơ thi tuyển, chỉnh sửa các giấy tờ cá nhân có liên quan...

Để các em học sinh chuẩn bị được tâm lý cũng như kiến thức vững chắc trước khi bước vào kỳ thi quan trọng, các trường trên địa bàn 2 tỉnh cũng đồng loạt triển khai cho các em đăng ký ôn tập ngay từ đầu học kỳ II của năm học, trong đó đặc biệt tập trung vào 3 môn: Toán, Văn, Anh văn. Ngoài ra các trường còn tiến hành cho các em đăng ký môn tự chọn để tổ chức ôn tập có trọng điểm hơn.

Cũng trong thời gian này, phương án tổ chức cho cụm thi liên tỉnh tổ chức tại TP. Pleiku cũng đang được Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh lên kế hoạch về lựa chọn địa điểm thi, chuẩn bị tốt khâu đón tiếp cũng như sắp xếp chỗ ăn, ở cho hơn 15.500 thí sinh 2 tỉnh nhằm đảm bảo cho một kỳ thi thành công tốt đẹp.

Có thể bạn quan tâm