Triều Tiên phóng vệ tinh - đàm phán 6 bên lâm vào bế tắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ không muốn kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên ảnh hưởng đến những bước đi tích cực để nối lại các cuộc đối thoại 6 bên.

Thứ trưởng ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Yong Ho ngày 17-3 đến Bắc Kinh để tham vấn với các quan chức Trung Quốc về một số vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Chuyến thăm này diễn ra sau khi ông Ri Yong Ho tham dự hội thảo về an ninh trên bán đảo Triều Tiên tại Mỹ và có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga tại Moscow.

Chuyến thăm diễn ra 1 ngày sau khi Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh - động thái có thể ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trong chuyến đi này, ông Ri Yong Ho có cuộc gặp với một số quan chức Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc nối lại các cuộc đối thoại 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như thông báo kết quả chuyến thăm Mỹ và Nga trước đó.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Ri Yong Ho, diễn ra sau những dấu hiệu tích cực trong việc cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều, cũng như khả năng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, vào cuối tháng 2 vừa qua, Triều Tiên và Mỹ bắt đầu các cuộc tham vấn cấp cao và đạt được kết quả tích cực về các vấn đề hạt nhân cũng như về viện trợ nhân đạo. Đầu tháng 3 này, Triều Tiên và Mỹ tiếp tục tổ chức đối thoại về chương trình viện trợ lương thực. Tuy nhiên, việc Triều Tiên bất ngờ tuyên bố phóng vệ tinh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, có thể gây cản trở đến những nỗ lực này. Nhiều nước đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sẽ dừng kế hoạch viện trợ nhân đạo nếu Triều Tiên tiến hành phóng vệ tinh. Phía Trung Quốc và Nga cũng bày tỏ hy vọng các bên kiềm chế và bình tĩnh, tránh gây căng thẳng leo thang làm cho tình hình thêm phức tạp.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn khẳng định, việc phóng vệ tinh là hoạt động nghiên cứu vũ trụ hoà bình và hoàn toàn tuân theo qui tắc quốc tế. Triều Tiên sẽ mời quan sát viên quốc tế đến để theo dõi vụ phóng vệ tinh mới của nước này và thông báo với các tổ chức liên quan theo đúng trình tự quy định.

Chuyên gia hàng đầu thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc Dương Tập Vũ (Yang Xiyu) cho rằng: “Kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên rõ ràng đặt chúng ta vào hoàn cảnh mới. Nếu không có kế hoạch này, chuyến thăm của ông Ri Yong Ho tới Trung Quốc lần này tập trung chủ yếu vào việc tái khởi động các  cuộc đối thoại 6 bên. Tuy nhiên, nay hai bên có nhiều điều cần thảo luận hơn. Thực tế, Trung Quốc không muốn thấy kế hoạch phóng vệ tinh này ảnh hưởng đến những bước đi tích cực để nối lại các cuộc đối thoại 6 bên”.

Theo giới quan sát, việc phóng vệ tinh của Triều Tiên là một trong những kế hoạch nhằm củng cố quyền lực cho nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên Kim Jong Un cũng như thể hiện những bước tiến của Triều Tiên trong các lĩnh vực khoa học và dân sự.

Giáo sư trường đại học nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Seoul - ông Yang Mo-Jin nhận định: “Việc Triều Tiên phóng vệ tinh là cách để khẳng định một thập kỉ mới của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đây cũng là kế hoạch chiến lược của Triều Tiên để cho thế giới thấy rõ về những phát triển vượt bậc của nước này trong các lĩnh vực khoa học và quân sự”.

Trong khi những căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên liên quan đến cuộc tập trận chung giữa Mỹ -Hàn Quốc chưa dịu bớt, thì kế hoạch mới nhất của Triều Tiên có thể khiến các cuộc đối thoại 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc. Đặc biệt, vụ phóng vệ tinh lần này diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16/4, đúng thời điểm Hàn Quốc tổ chức bầu cử Quốc hội, và chỉ cách khoảng 3 tuần sau Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân toàn cầu tại Hàn Quốc, trong đó vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm