Dấu ấn Việt Nam trên những nhịp cầu nối đôi bờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ là công trình quan trọng giúp giao thông vận tải thuận tiện hơn, nhiều cây cầu ở Việt Nam còn có nét kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn lịch sử và thời đại.
 

Những cây cầu hoành tráng, đẹp mắt mang ý nghĩa đặc biệt là đề tài khá phổ biến được độc giả lựa chọn trong cuộc thi ảnh "Dấu ấn Việt Nam". Bức ảnh chụp cầu Nhật Tân (Hà Nội) trong tuần đầu tiên được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng mới. Cây cầu bắc qua sông Hồng, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, là cầu dây văng dài nhất Việt Nam và được cho là biểu tượng mới, niềm tự hào của thủ đô hiện đại. 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô.
 

Nhắc đến cầu không thể bỏ qua Đà Nẵng - nơi được mệnh danh là thành phố của những cây cầu, nổi bật trong số đó là cầu Rồng. Với kiến trúc mô phỏng theo hình ảnh một con rồng đang bay trên sông Hàn, cầu Rồng được ghi nhận là một trong những cây cầu có thiết kế độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam, sở hữu nhiều giải thưởng quốc tế.
 

Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu lâu đời nhất trong số 6 cây cầu nối đôi bờ sông Hàn, được Mỹ xây dựng vào năm 1965 để phục vụ chiến tranh. Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, cầu bị xuống cấp nghiêm trọng. Giờ đây cây cầu đóng vai trò như một kỷ vật của Đà Nẵng, trở thành phố đi bộ và phát triển du lịch.
 

Khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống trên cầu Mỹ Lợi - cây cầu quan trọng kết nối 2 tỉnh Long An - Tiền Giang. Nằm trên trục quốc lộ 50, cây cầu dài hơn 2,6 km, bắc qua sông Vàm Cỏ giúp rút ngắn đáng kể quãng đường từ TP.HCM đi các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước.
 

Cầu Cần Thơ nối đôi bờ sông Hậu vừa là tuyến giao thông quan trọng của thành phố Cần Thơ, vừa là cây cầu có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550 m) tại thời điểm khánh thành (năm 2010). Đây được đánh giá là công trình góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
 

Các sư thầy của chùa Huyền Không Sơn Thượng bước qua cầu Trường Tiền trên đường đi khất thực. Nằm ngay giữa thành phố Huế, đây là cây cầu đầu tiên bắc qua dòng sông Hương thơ mộng, được thiết kế theo kiến trúc Gothic, trải qua nhiều lần trùng tu trong lịch sử và xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ ca Việt Nam. Đây cũng là một biểu tượng thu hút du khách của thành phố Huế.
 

Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) là cây cầu có kết cấu dây văng một mặt phẳng đầu tiên của Việt Nam, có vị trí chiến lược về giao thông, kinh tế và quốc phòng. Đây cũng là một trong những địa điểm thu hút du khách khi đến với thành phố du lịch Hạ Long.
 

Với hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên được mệnh danh là chứng nhân lịch sử của thủ đô Hà Nội khi cùng nhân dân trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên.
 

Một số cây cầu mới đang trên đà hoàn thiện như cầu Nhật Lệ 2 (Quảng Bình). Đây được xác định là công trình trọng điểm, thúc đẩy kinh tế, phát triển du lịch và nâng cao hình ảnh của thành phố Đồng Hới.

Ánh Ngọc/zing

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo có "1-0-2" cảnh cá chép ăn hoa sen

Độc đáo có "1-0-2" cảnh cá chép ăn hoa sen

Ngay khi tiếp cận được bông sen thơm ngát, trái với suy nghĩ của mọi người rằng cá chép sẽ từ tốn thưởng hoa, con cá này mạnh mẽ nhao đến, cắn thẳng vào từng cánh hoa thơm ngát, cố gắng giật đứt, nuốt vào mồm.
Giữa Hà Nội mới xuất hiện một ngôi làng bích họa

Giữa Hà Nội mới xuất hiện một ngôi làng bích họa

Hơn 20 bức tranh với nội dung gắn với văn hóa lịch sử thôn Chử Xá (Gia Lâm, Hà Nội) được vẽ lên những bức tường đã tạo nên một diện mạo mới và hấp dẫn cho một làng quê Bắc Bộ. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến mới cho nhiều du khách trong và ngoài nước.