Từ "ao làng" ra "biển lớn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018 là một năm đầy vinh quang của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã liên tiếp đi từ kỳ tích này đến kỳ tích khác ở các cấp độ đội tuyển, bắt đầu là ngôi á quân tại giải U23 châu Á rồi đến vị trí thứ tư chung cuộc tại ASIAD và kết thúc bằng chức vô địch AFF Suzuki Cup.
Trong men say chiến thắng, không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam bắt đầu mơ về những chiến tích mới của đội tuyển ở các sân chơi lớn hơn như Asian Cup hay thậm chí là World Cup. Không ai đánh thuế giấc mơ. Nhưng chúng ta cũng không nên có những giấc mơ hão huyền. Hãy bình tĩnh bước ra khỏi vầng hào quang lấp lánh để nhìn lại một cách rõ ràng những kỳ tích mà bóng đá Việt Nam đã đạt được trong năm 2018. Giải U23 châu Á hay ASIAD rốt cuộc cũng chỉ là sân chơi của các cầu thủ trẻ. Còn AFF Suzuki Cup, dù dành cho đội tuyển quốc gia nhưng đây đã, đang và sẽ mãi vẫn là giải đấu đẳng cấp “ao làng” của những đội bóng ở vùng trũng Đông Nam Á.
Nếu AFF Suzuki Cup là “ao làng” thì Asian Cup chính là “biển lớn” để đội tuyển Việt Nam mơ tới.
Nếu AFF Suzuki Cup là “ao làng” thì Asian Cup chính là “biển lớn” để đội tuyển Việt Nam mơ tới. (ảnh internet)
Đẳng cấp đích thực của một nền bóng đá luôn được đánh giá bằng thành tích của đội tuyển quốc gia. Và để biết bóng đá Việt Nam đang nằm ở đẳng cấp nào thì chỉ cần nhìn vào Asian Cup 2019-giải đấu mà đội tuyển của chúng ta đang tham dự. Nếu AFF Suzuki Cup là “ao làng” thì Asian Cup chính là “biển lớn” để đội tuyển Việt Nam mơ tới. Nói “mơ tới” là bởi, tính cả giải đấu đang diễn ra, đội tuyển Việt Nam mới chỉ 2 lần góp mặt ở sân chơi này. Lần đầu là vào năm 2007, khi Việt Nam cùng với Thái Lan, Malaysia và Indonesia cùng đứng ra đăng cai giải đấu. Ở Asian Cup 2007, đội tuyển Việt Nam đã gây bất ngờ khi lọt vào vòng tứ kết và chỉ chịu dừng bước trước Iraq-đội bóng sau đó đã giành chức vô địch. Nhưng ở 2 kỳ Asian Cup tiếp theo, đội tuyển Việt Nam đều không thể vượt qua vòng đấu loại. Phải đến Asian Cup 2019, khi vòng chung kết được mở rộng từ 16 đội lên 24 đội, chúng ta mới lại thêm một lần góp mặt ở sân chơi danh giá nhất của bóng đá châu lục này.
Thẳng thắn nhìn nhận thì đội tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2019 đã tiến bộ rất nhiều so với đội tuyển năm 2007, cả về trình độ kỹ thuật, thể lực, lối chơi lẫn kinh nghiệm thi đấu. Và những gì thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo thể hiện qua 3 trận đấu ở vòng bảng đã chứng minh điều đó. Đội tuyển Việt Nam đã chơi sòng phẳng với Iraq ở trận mở màn và chỉ chịu thua sát nút ở những phút cuối cùng sau khi buộc đối thủ phải mướt mồ hôi rượt đuổi về tỷ số. Khi gặp Iran, dù để thua, song các tuyển thủ của chúng ta đã chơi đầy quả cảm và gây không ít khó khăn cho đội bóng số 1 châu Á (theo bảng xếp hạng của FIFA tháng 12-2018). Ở trận đấu cuối cùng gặp Yemen, các học trò của huấn luyện viên Park Hang-seo đã chơi cực kỳ xuất sắc và giành chiến thắng với tỷ số cách biệt 2-0.
Kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 3 là điều đã được đội tuyển Việt Nam dự lường khi tham dự Asian Cup 2019. Và cho đến khi bài viết này lên khuôn thì đội tuyển của chúng ta vẫn đang nằm trong số 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất giải đấu, đồng nghĩa với việc giành vé vào chơi ở vòng 1/8. Đây là một thành tích không tồi, nhất là khi chúng ta rơi vào một bảng đấu quá khó khăn với 2 “ông lớn” là Iraq và Iran. Nhưng mặt khác, nó cũng chỉ ra rằng, ngay cả khi đã đứng đầu “ao làng” Đông Nam Á thì “biển lớn” châu lục vẫn là nơi “các tay chèo” Việt Nam chưa đủ sức để đi xa như giấc mơ của rất nhiều người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Việc đội tuyển Việt Nam có thể tiến sâu ở Asian Cup 2019 hay phải dừng lại ngay sau vòng đấu bảng không quá quan trọng. Điều quan trọng nhất là qua sân chơi hàng đầu châu lục này, bóng đá Việt Nam sẽ biết được đích xác đẳng cấp của mình đang nằm ở ngưỡng nào. Chỉ khi biết người biết ta, không còn ảo tưởng về sức mạnh của mình, không còn chìm đắm trong hào quang chiến thắng quá khứ, khi ấy bóng đá Việt Nam mới vững vàng tiến ra “biển lớn”.
Lê Hà

Có thể bạn quan tâm